Sóc Trăng: Chính thức cho phép sử dụng cát biển san nền cao tốc tại miền Tây
Sóc Trăng: Chính thức cho phép sử dụng cát biển san nền cao tốc tại miền Tây
Ngày 25/12, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT đã tổ chức buổi lễ bàn giao kết quả Dự án đánh giá tài nguyên cát biển, nhằm phục vụ xây dựng các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Theo Cục Địa chất Việt Nam – Bộ TN&MT, Dự án đã đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 trên diện tích 250 km2, nằm cách bờ biển 20 km – 25 km, độ sâu từ 3m – 9m nước. Kết quả cho thấy trữ lượng cát khu vực B1 là hơn 680 triệu m3, hàm lượng cát chiếm trên 82,8%, có chất lượng an toàn để sử dụng làm vật liệu san lấp.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT về đảm bảo nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các tuyến đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị vùng ĐBSCL, Bộ TN&MT đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị vùng ĐBSCL và giao cho Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện.
Sau một thời gian triển khai, đến nay Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng (giai đoạn 1 Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL) và tổ chức bàn giao hồ sơ cho các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng.
Ông Trần Quý Kiên cũng nhấn mạnh “Việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đánh giá tài nguyên cát biển tại tỉnh Sóc Trăng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đô thị vùng ĐBSCL và phù hợp với tình thế hiện nay khi cát sông gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đúng theo quy định. Trước khi tiến hành khai thác phải đăng ký công suất; thực hiện công tác quan trắc; kiên quyết không được khai thác cát biển bán ra ngoài…”.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, bày tỏ sự hân hoan với kết quả đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1. Ông Lâu cho rằng khối lượng cát biển lớn này sẽ đảm bảo vật liệu san lấp cho nhiều dự án quan trọng trong khu vực, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt vật liệu san lấp trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết thêm, về nhu cầu sử dụng cát cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là 18,5 triệu m3, qua làm việc với An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long thì sẽ triển khai các thủ tục khai thác cát sông 16,5 triệu m3. Tuy nhiên, hiện các địa phương này chỉ mới hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng 6 triệu m3, trong khi theo tiến độ thì đến 30/6/2024 là phải hoàn thành đắp cát gia tải toàn tuyến (hiện chỉ đạt được 15%).
“Như vậy, chỉ còn 6 tháng nữa để hoàn thành đắp cát gia tải, nên nhu cầu cát cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang rất cấp bách. Do đó, Bộ GTVT đề xuất khoảng 10 triệu m3 cát biển để đảm bảo tiến độ đề ra”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Bước này được coi là một động thái tích cực, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng, đồng thời giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn cung cát sông.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị