Phụ nữ Phúc Sơn (Yên Bái) sáng tạo bảo vệ môi trường
Phụ nữ Phúc Sơn (Yên Bái) sáng tạo bảo vệ môi trường
Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) và gìn giữ hệ sinh thái, giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đều đặn mỗi tháng một lần, chị em phụ nữ Chi hội thôn Lụ 2, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ lại cùng nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm và chăm sóc tuyến đường hoa. Mỗi người một việc, từ quét dọn đến thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh trong không khí vui vẻ. Việc làm này đã trở thành phong trào bởi hội viên phụ nữ nào cũng ý thức được trách nhiệm của mình để giữ gìn bộ mặt làng quê nông thôn mới (NTM) sạch, đẹp.
Chị Đinh Thị Thương, bản Lụ 2 cho biết: “Trước đây, chúng tôi chưa có ý thức vệ sinh môi trường, đôi khi còn vứt rác bừa bãi ra đường. Từ khi hiểu được lợi ích của việc BVMT giúp phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, tạo cảnh quan sạch đẹp và được tuyên truyền bảo vệ môi trường cũng là chung tay xây dựng NTM, nên tôi cùng bà con trong bản đã tích cực dọn dẹp vệ sinh để đường bản luôn gọn gàng, sạch sẽ”.
Thực tế, trong quá trình triển khai xây dựng NTM cho thấy, vấn đề khó giải quyết nhất trong xây dụng NTM là tiêu chí môi trường, đặc biệt, là môi trường nông thôn, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Đây cũng là thách thức lớn đối với một xã thuần nông có tới 95% đông đồng bào dân tộc thiểu số như Phúc Sơn. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Hội Phụ nữ xã đã khảo sát, đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng mô hình tự phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, triển khai đến 100% hội viên và người dân trên địa bàn.
Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình hội viên, phụ nữ sẽ tận dụng các bao tải, thùng, sọt có dung tích lớn để phân loại thu gom rác thải thành từng khu vực khác nhau như: chất thải rắn, rác hữu cơ, rác tái chế, đồng thời dựa theo từng loại rác thải để thực hiện xử lý cho phù hợp, nhằm BVMT sống.
Cụ thể, đối với rác thải hữu cơ có thể phân hủy sẽ được mang đi ủ làm phân vi sinh làm phân bón phục vụ trồng trọt; rác thải rắn không thể tái chế được các gia đình thu gom vào bãi chôn lấp chung của thôn hoặc đốt tiêu hủy còn rác thải có thể tái chế sẽ dùng để làm các vật dụng trang trí nhà cửa như chậu hoa, cây cảnh, hoặc các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Cách làm này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với việc BVMT mà còn góp phần tiết kiệm kinh phí trong mua sắm các vật dụng gia đình và kích thích tính sáng tạo, khéo léo của chị em phụ nữ. Chị Lò Thị Ninh – Chi Hội trưởng Chi hội bản Ngoa cho biết: “Mô hình ủ phân hữu cơ đem lại hiệu quả thiết thực cho các hộ hội viên. Sau khoảng 20-30 ngày, lượng rác thải đã được ủ thành phân hữu cơ tơi xốp, đưa vào bón cho các loại cây rất tươi tốt”.
Không chỉ phát huy hiệu quả trong mỗi gia đình, hội viên, phong trào phân loại rác thải tại nguồn ở xã Phúc Sơn còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, nhận thấy ở địa phương số gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều nên Hội Phụ nữ xã đã huy động hội viên tập trung thu gom rác thải nhựa bán lấy tiền giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo. Hưởng ứng nội dung này, định kỳ 6 tháng 1 lần, tất cả chị em phụ nữ trong xã lại tập trung mang rác thải nhựa tới các hội trường thôn, bản để đóng góp. Sau 2 lần thu gom, Hội đã thu được hàng triệu đồng từ tiền bán phế liệu để tặng quà các gia đình khó khăn. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện được sự đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau cùng phát triển của hội viên phụ nữ.
Những phong trào, hoạt động thiết thực do Hội phụ nữ xã Phúc Sơn triển khai đã góp phần đáng kể thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của người dân trong BVMT. Phong trào vệ sinh môi trường đã đi vào nề nếp của 9/9 chi hội thôn, bản. Các chi hội đều có các tổ nhóm vệ sinh môi trường. Trên các tuyến đường liên thôn, liên xã của Phúc Sơn không còn rác thải, cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn. 100% hộ gia đình ở Phúc Sơn đã phân loại, thu gom và để rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất đúng nơi quy định; 100% số hộ không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc sát nhà ở; 95% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
“Để có được kết quả đó, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể truyên truyền, triển khai các cuộc vận động, phong trào BVMT như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phân loại rác thải tại nhà”, “Nói không với rác thải nhựa”…; chỉ đạo các chi hội lồng ghép tuyên truyền BVMT tại các buổi sinh hoạt của các chi hội phụ nữ, vận động gia đình hội viên ký cam kết về vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, nâng cao ý thức trong việc sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” – Bà Lường Thị Thiết, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Sơn cho hay.
Theo ông Hoàng Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Phúc Sơn đánh giá, Hội Phụ nữ xã có đóng góp hết sức quan trọng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là tiêu chí môi trường, góp phần để xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị