Cần chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân

“Hàng triệu người lao động từ Bắc tới Nam phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao. Điển hình có những địa phương tại một thôn gần các KCN chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 CNLĐ, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự”. Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã phát biểu như vậy trước Quốc hội.

can chinh sach thu hut nha dau tu xay dung nha o cho cong nhan
Một dãy nhà trọ công nhân KCN ở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho công nhân

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 16 ngày 14.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ đều đề cập và nhấn mạnh ưu tiên xây dựng nhà ở cho NLĐ. Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho NLĐ, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho NLĐ vì chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Từ thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho NLĐ, tại diễn đàn Quốc hội, ông Nguyễn Đình Khang đã trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho NLĐ – lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương để hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Sắp có 244 căn hộ trong thiết chế công đoàn tại Hà Nam cho NLĐ thuê ở

Theo khảo sát của các cấp công đoàn, đời sống NLĐ tại các khu công nghiệp còn khó khăn do thu nhập chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; thiếu nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị, nơi sinh hoạt văn hoá, khám chữa bệnh; địa điểm để tổ chức hoạt động văn hoá cho NLĐ khu công nghiệp vừa thiếu, lại xa nơi ở của họ…

Trước thực trạng trên, ngày 24.8.2021, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-TLĐ về Tổ chức, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN-KCX” (Kế hoạch).

Theo Kế hoạch, thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN-KCX” (Đề án); Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg… Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án.

Mục đích của Kế hoạch là việc tổ chức thực hiện Đề án theo Quyết định số 655/QĐ-TTg, Quyết định 1729/QĐ-TTg phải đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả, phù hợp giữa nguồn lực tài chính và quỹ đất của địa phương theo quy định của pháp luật góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở, các thiết chế hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, duy trì việc làm ổn định cho NLĐ.

Huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức Công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hoá, thể thao tại các KCN-KCX, khẳng định sự quan tâm của Đảng, sự chủ động của chính quyền các tỉnh, thành phố và tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, NLĐ tại các KCN-KCX.

Để đảm bảo tính khả thi của Đề án, Tổng LĐLĐVN đã thống nhất một số nguyên tắc và yêu cầu trong việc xem xét đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn. Trong đó có nguyên tắc: Khu vực xây dựng thiết chế nằm trong địa bàn đông NLĐ, có nhu cầu cao về nhà ở, đảm bảo vị trí thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của đoàn viên, NLĐ; có nhà đầu tư phối hợp với Tổng LĐLĐVN và địa phương để xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn…

Thực hiện Đề án, Tổng LĐLĐVN và các bộ, ban, ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có dự án sẽ bàn bạc, thống nhất ký Quy chế phối hợp triển khai Đề án; thống nhất địa điểm các khu đất xây dựng thiết chế công đoàn; thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho đoàn viên, NLĐ, thuê mua tại nơi quy hoạch khu thiết chế công đoàn; xây dựng tiêu chí lựa chọn đối tượng được mua, thuê và thuê mua nhà ở; phương án giá bán, giá thuê và giá thuê mua tại các dự án; thực hiện đầu tư xây dựng công trình văn hoá, thể thao…

Được biết, trong thời gian tới đây, Tổng LĐLĐVN sẽ hoàn thành triển khai thí điểm dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam. Hiện nay thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam có 244 căn hộ được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê ở của đoàn viên, NLĐ…

Giai đoạn 2021-2025, Tổng LĐLĐVN phấn đấu đến năm 2023 triển khai thi công tối thiếu 5 dự án trong nhóm 18 thiết chế công đoàn tại các tỉnh như Tiền Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế, Hà Nam (giai đoạn 2); trong đó Đồng Nai, Bắc Giang ít nhất 1 thiết chế.

Tiếp tục thực hiện các công việc phục vụ công tác chuẩn bị dự án tại ít nhất 32 thiết chế công đoàn. Trong đó, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương ít nhất 1 thiết chế…

Giai đoạn từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các KCN-KCX trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Theo ghi nhận của Tổng LĐLĐVN, riêng nhà ở cho NLĐ khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có 2.580.000m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330 nghìn NLĐ – quá ít ỏi so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu NLĐ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích