Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch

(Xây dựng) – Để thúc đẩy phát triển du lịch và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu đã có chủ trương đẩy mạnh khai thác hiệu quả các sản phẩm chợ phiên, chợ đêm vùng cao.

Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch
Các chợ phiên vùng cao có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Bức tranh văn hóa đầy sắc màu của các dân tộc

Mảnh đất Lai Châu không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và thời tiết lạnh đặc trưng ở vùng cao, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo của 20 dân tộc 20 anh em. Và để hiểu rõ văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thì không có nơi nào phù hợp hơn chợ phiên, nơi phản ánh chân thực và sinh động đời sống văn hóa của người dân vùng cao. Hiện nay, tỉnh Lai Châu vẫn đang lưu giữ được các chợ phiên vùng cao còn nét nguyên sơ, độc đáo và đầy bản sắc văn hóa. Những chợ phiên nổi tiếng ở đây có thể kể đến như chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Dào San, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ)…

Các chợ phiên thường họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần, riêng một số chợ như San Thàng hay Dào San họp thêm một buổi vào ngày thứ Năm. Bên cạnh đó còn có chợ Sừng ở xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) họp vào ngày hai con có sừng trong 12 con giáp là con Dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu). Như vậy, cứ 6 ngày chợ sẽ họp một lần. Nếu tính theo tuần thì chợ họp lùi ngày, ví dụ tuần trước họp Chủ nhật thì tuần sau họp vào thứ Bảy, rồi lại thứ Sáu tuần sau nữa.

Các chợ họp chính vào Chủ nhật nhưng từ chiều thứ Bảy đã rất náo nhiệt. Bà con các dân tộc thường đến chợ từ rất sớm với tâm trạng vô cùng háo hức. Những người ở xa hàng chục cây số thậm chí còn đi bộ hàng giờ liền để tới họp chợ. Chuyện này không có gì khó hiểu khi các chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán mà còn mang đến cơ hội gặp gỡ, hẹn hò, giao lưu và sinh hoạt văn hoá cộng đồng, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống tốt của các dân tộc.

Khi đến chợ phiên ở Lai Châu, du khách sẽ bước vào một không gian đầy màu sắc của trang phục truyền thống các dân tộc Mông, Dao, Thái, Lự, Giáy, Hà Nhì… Vì bà con đồng bào tại đây đi chợ phiên như trẩy hội, chơi Tết nên ai cũng muốn được khoe những bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Đó là chiếc váy xòe của người Mông, khăn áo ngũ sắc của người Dao, áo chàm xẻ ngực có những dây tua sặc sỡ của cô gái người Lự hay dây thắt lưng màu xanh và chiếc khăn piêu thổ cẩm của phụ nữ người Cống.

Bạn cũng có thể bắt gặp các chàng trai người Mông trình diễn một điệu múa khèn, hay các tốp trai gái dân tộc Thái hay dân tộc Hà Nhì hát đối đáp, trao duyên. Những người phụ nữ dân tộc địu con đến chợ, đôi khi ngồi lại để thêu thùa, hay che ô cho chồng ngủ. Những chàng trai, cô gái người dân tộc sẽ xúm xít lại để trò chuyện, tâm tình hay chơi các trò chơi truyền thống như tù lu, tó má lẹ… để rồi nhiều người trong số họ đã trở thành vợ chồng.

Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch
Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch
Chợ phiên là nơi gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao.

Bà con đến đây ai cũng tay bắt, mặt mừng, cười nói vui vẻ, rộn ràng như thể rất lâu rồi mới gặp nhau. Họ đi chợ, nhưng mục đích chính không phải là để buôn bán. Bởi vậy, hoạt động trao đổi, mua bán diễn ra rất bình dị, hiếm khi có chuyện mặc cả. Có người đi cả ngày đường tới chợ chỉ để mua một cái áo, một tấm vải hay một số nhu yếu phẩm cần thiết khác. Cũng có những người đi chợ chỉ để bán một con gà, một vài mớ rau hoặc thậm chí chẳng mua gì. Họ tới để gặp lại bạn bè, người quen hoặc đơn giản là để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Hàng hóa được mang ra chợ thường là các sản vật, nông sản của địa phương do chính người dân làm ra như táo mèo, thảo quả, mắc khén, măng rừng, mật ong rừng, quần áo truyền thống, vải thổ cẩm… Ngoài ra, ở đây cũng bày bàn rất nhiều món ngon vật lạ đặc trưng của vùng cao mà du khách sẽ khó lòng bỏ qua như thắng cố, phở chua, thịt lợn gác bếp hay rượu ngô. Trong thời tiết se lạnh, thưởng thức món thắng cố nóng hổi và uống một chút rượu sẽ khiến những người đi chợ lâng lâng trong men say, nhớ mãi về phiên chợ vùng cao ấm áp tình người vùng cao.

Chợ đêm – hướng đi mới trong phát triển du lịch

Nếu như chợ phiên đã tồn tại hàng trăm năm và là nét đẹp văn hóa không thể thiếu ở vùng cao thì chợ đêm chỉ mới xuất hiện ở Lai Châu từ năm 2019, trong đó nổi tiếng nhất là chợ đêm San Thàng. Trên cơ sở chợ phiên San Thàng họp vào thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, chợ đêm San Thàng được mở vào tối thứ 7 hàng tuần. Chợ mở dọc theo hai bên con suối San Thàng, chia ra làm 2 khu vực, nối với nhau bằng một cây cầu nhỏ vắt ngang qua suối.

Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch
Chợ đêm San Thàng đang thu hút khách đông đảo du lịch nhờ sự độc đáo về ẩm thực và văn hóa.

Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, tìm hiểu văn hóa các dân tộc và thưởng thức các món ăn ngon nóng hổi trong tiết trời se lạnh. Ngay khi đặt chân đến cổng chợ, du khách sẽ được thưởng thức giai điệu rộn ràng của bài hát “Chợ phiên Lai Châu”. Ở đây còn thiết kế một khu sân khấu ngoài trời để biểu diễn văn nghệ. Mỗi tuần, các đội văn nghệ ở thành phố Lai Châu và các huyện lân cận sẽ biểu diễn các tiết mục độc đáo, mang đậm bản sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đặc biệt, tiết mục kết thúc chợ đêm bao giờ cũng là vòng xòe giao lưu, đoàn kết giữa đồng bào dân tộc địa hương và du khách. Đó là khoảnh khắc mà tất cả những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa đều bị xóa nhòa để nhường chỗ cho sự gắn kết.

Tại San Thàng, du khách cũng có thể tìm hiểu thêm về văn hóa của đồng bào các dân tộc khi người dân sẽ mang tới đây những bộ trang phục truyền thống, các trò chơi, phong tục tập quán và dĩ nhiên là không thể thiếu các món ăn ngon đặc trưng, truyền thống. Một trong những món ăn nổi tiếng nhất ở chợ đêm San Thàng là thắng cố. Trong thời tiết lạnh giá ở vùng cao, ai cũng sẽ muốn ngồi bên nồi thắng cố nóng hổi, thơm lừng và thưởng thức những chén rượu Mông Kê thơm ngọt.

Những ai muốn ăn nhẹ thì có thể chọn ăn phở nhắng của người Giáy. Đây là món ăn do chính người dân tự làm với đặc trưng là sợi phở dai, mềm, nước dùng ngọt, béo quyện với vị cay của ớt, vị thơm của rau húng, vị ngai ngái của rau ngót và ăn kèm với thịt lợn đen. Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn vặt hấp dẫn khác tại chợ đêm San Thàng như bánh giày, bánh rán, bánh bò, bánh quẩy nóng… hay các loại trái cây rừng như mận, mắc cọp, đào, lê…

Lai Châu đẩy mạnh khai thác chợ phiên, chợ đêm gắn với du lịch
Phở nhắng, một món ăn đặc trưng của người Giáy ở Lai Châu.

Như vậy, chợ đêm không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa mà còn thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và tiêu thụ nông sản cho người dân. Điều này có nghĩa rằng, việc tổ chức các chợ đêm vùng cao đang mang đến lợi ích kép, vừa phát triển du lịch, cải thiện thu nhập cho người dân, đồng thời cũng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Đó sẽ là tiền đề cho Lai Châu phát triển kinh tế đêm trong thời gian tới dựa trên các thế mạnh sẵn có, nổi bật là giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc và những món ăn ngon chỉ có ở vùng cao.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích