Rốt ráo “lên đời” các tuyến cao tốc Bắc – Nam
Nhiều thuận lợi
Tiến trình “lên đời” các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải thực hiện việc phân kỳ đầu tư ở mức 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp liên tục), vốn gây nhiều bức bối cho người tham gia giao thông, vừa có bước tiến quan trọng.
Cuối tuần trước, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) có Tờ trình số 14605/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn La Sơn – Hòa Liên. Đây là một trong những phân đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh và được phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe.
Trước đó, căn cứ nhu cầu về nguồn lực, chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan giai đoạn I theo hình thức Hợp đồng BT, tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng, trong đó đoạn La Sơn – Hòa Liên có quy mô 2 làn, nền đường rộng 12 m.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn còn lại của Dự án để thực hiện một số hạng mục theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, trong đó có việc mở rộng nền đường lên 22 m, các cầu nhỏ và hầm Mũi Trâu. Dự án đã đưa vào khai thác từ tháng 4/2022, đang thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định.
Theo đề xuất của Bộ GTVT tại Tờ trình số 14605/TTr-BGTVT, Dự án Mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn La Sơn – Hòa Liên sẽ nâng cấp 64,95 km đường 2 làn xe hiện hữu lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22 m, bề rộng mặt đường 20,5 m. Dự án còn tập trung tận dụng giữ nguyên các cầu, hầm đã được đầu tư với quy mô 4 làn; xây dựng mở rộng 50 cầu đảm bảo quy mô 4 làn xe, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 2.518 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác khoảng 252 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2 tỷ đồng; dự phòng khoảng 239 tỷ đồng.
Dự án dự kiến bố trí từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được bố trí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư là 1,173 tỷ đồng và dự kiến cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được thông báo tại Văn bản số 1303/TTg-KTTH ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ là 3.009,827 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH, nguồn vốn thực hiện đầu tư của Dự án chưa có trong Danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, cần hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến bổ sung vào Danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 trước khi giao vốn thực hiện.
Do tính chất quan trọng của Dự án, Bộ GTVT sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công Dự án, trong đó thời gian chuẩn bị Dự án từ năm 2023 đến 2024; thi công xây dựng công trình từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2025”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Thiếu nguồn lực đầu tư
Tồn tại của việc phân kỳ đầu tư là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời nếu lưu lượng tăng nhanh, buộc phải sớm đầu tư mở rộng, thì sẽ là lãng phí một số hạng mục công trình do không tận dụng được. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn lực đầu tư. Trong các giai đoạn vừa qua, mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chỉ đạt khoảng 2,18% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3,5 – 4,5% GDP đặt ra trong Chiến lược Phát triển GTVT.
– Ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược GTVT
Ngoài việc không mất thời gian và kinh phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, một điểm thuận lợi lớn để có thể rút ngắn “lên đời” tuyến cao tốc La Sơn – Hòa Liên là nền đường toàn tuyến đã cơ bản hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe với chiều rộng nền đường 22 m. Các đơn vị thi công chỉ cần tiến hành xử lý kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của dự án, an toàn trong khai thác, rồi tiến hành thảm bê tông nhựa.
Cần phải nói thêm, tại Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc La Sơn – Hòa Liên thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, có chiều dài khoảng 66 km, quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuy nhiên, căn cứ số liệu tính toán dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến, điều kiện thực tế và hiện trạng tuyến đường đang khai thác (đã giải phóng mặt bằng và thi công nền đường theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh), nguồn vốn được bố trí (dự kiến cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022), hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, phương án đầu tư theo hướng giữ nguyên cấp đường cao tốc hiện nay, mở rộng mặt đường, các công trình trên tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh là hợp lý.
“Trong tương lai, căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng bố trí nguồn lực, sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp mở rộng phù hợp quy hoạch. Quy mô đầu tư nêu trên bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt và lâu dài, phù hợp với quy hoạch, bảo đảm khai thác đồng bộ, hiện đại, an toàn tuyến đường”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Ba dự án ưu tiên
Một phân đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông khác cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm tiếp bước đoạn La Sơn – Hòa Liên trong lộ trình “lên đời”, thậm chí là tiến thẳng lên quy mô 6 làn xe tiêu chuẩn là Cao Bồ – Mai Sơn.
Giữa tháng 12/2023, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã đề nghị Bộ GTVT thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ – Mai Sơn.
Dự án này có điểm đầu tuyến tại Km 259+100,15 (lý trình đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa), thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; điểm cuối tuyến tại Km274+345 (lý trình đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa, giao cắt với tuyến Quốc lộ 1 tránh TP. Ninh Bình, thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chiều dài dự kiến khoảng 15,245 km. Toàn bộ phạm vi Dự án nằm trên địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; TP. Ninh Bình và các huyện Yên Khánh, Hoa Lư và Yên Mô của tỉnh Ninh Bình.
Điểm đặc biệt trong đề xuất của Ban Quản lý dự án Thăng Long là, đơn vị này kiến nghị đầu tư mở rộng đoạn tuyến hiện có quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc khai thác 80 km/h lên quy mô 6 làn xe, rộng 32,25 m, tốc độ 120 km/h. Tổng mức đầu tư Dự án là 2.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn vốn hợp pháp khác.
Do mặt bằng của Dự án đã được giải phóng cho quy mô hoàn thiện trong giai đoạn phân kỳ, nên việc mở rộng đoạn Cao Bồ – Mai Sơn chỉ tốn kinh phí xây dựng, tư vấn, quản lý dự án và dự phòng. Dự kiến thời gian thực hiện Dự án là trong giai đoạn 2024 – 2027, trong đó thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2023 – 2024; triển khai thực hiện toàn bộ dự án đến khi hoàn thành là năm 2024 – 2027.
Trước đó, Sở GTVT Ninh Bình – đơn vị chủ đầu tư Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn đã gửi đề xuất tương tự tới Bộ GTVT. Theo đó, đoạn cao tốc này được đưa vào khai thác từ tháng 2/2022 với quy mô 4 làn xe hạn chế, nhưng đã giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe; có 3 trong 7 cầu đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 6 làn xe rộng 32,75 m.
Sau khi đưa vào khai thác, đoạn cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 16 m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục) đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra tắc nghẽn vào dịp lễ, tết, mùa du lịch. “Do vậy, cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn cần sớm được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, giảm ách tắc”, lãnh đạo Sở GTVT Ninh Bình kiến nghị.
Được biết, trong Công văn số 14231/BGTVT-KHĐT ngày 12/12/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, đã rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn – Hòa Liên (66 km) từ 2 làn xe lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ – Mai Sơn (15 km) bằng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km) theo hình thức PPP.
“Đối với các dự án còn lại, chúng tôi đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết./.