Quảng Ninh: Vân Đồn nhiều tin vui chào năm mới
(Xây dựng) – Trong những ngày cuối năm 2023 đón chào năm mới 2024, huyện Vân Đồn dồn dập nhưng tin vui: Đón nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Thương cảng Vân Đồn; Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng và chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập huyện Vân Đồn (26/12/1948 – 26/12/2023).
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy; và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Quyết định huyện Vân Đồn đạt chuẩn Nông thôn mới; Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Thương cảng Vân Đồn; Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng. |
Lễ đón nhận các sự kiện chính trị – lịch sử – văn hóa lớn của huyện Vân Đồn được tổ chức long trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương; lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh, cùng đông đảo nhân dân địa phương đến dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chúc mừng sự kiện chính trị – lịch sử – văn hóa lớn của huyện Vân Đồn, chỉ đạo địa phương phát huy các giá trị cao quí đó phục vụ quốc kế dân sinh. |
Trầm tích Quần thể Thương cảng Vân Đồn
Đầu thế kỷ 8, vùng biển Vân Đồn của Nhà nước phong kiến Đại Việt đã có thuyền buôn của thương gia Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cổ đại như: Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, Tam Phật Tề… qua lại buôn bán. Sách “Tục tư trị thông giám trường biên” của Lý Đào chép: Năm 1012, nhà Lý đã thương thảo với Tống Triều cho mở tuyến buôn bán bằng đường biển từ Đại Việt đến Ung Châu. Nhưng nhà Tống khước từ và chỉ đồng ý cho thương nhân Đại Việt trao đổi hàng hóa đến Quảng Châu và một số chợ ở khu vực đường biên.
Bí thư Huyện uỷ Vân Đồn Trương Mạnh Hùng, báo cáo lịch sử Ngày thành lập huyện Vân Đồn, trầm tích văn hóa Quần thể Thương cảng Vân Đồn, sự tích Bác Hồ đến thăm đảo Ngọc Vừng, và kết quả của huyện Vân Đồn đạt chuẩn nông thôn mới. |
Năm 1149, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hải của các nước láng giềng đến Hải Đông xin cập tàu thuyền, tiếp nhận hậu cần viễn dương, cư trú buôn bán và nhà Lý đã cho lập trang ở quần đảo vùng biển Đông Bắc này. Trang, một cấp hành chính ở quần đảo vùng biển Đông Bắc gọi là Vân Đồn, bởi trước đó đã có một đồn canh-vọng gác cửa biển ở dưới chân một đỉnh núi cao quanh năm vân vũ, dân địa phương gọi là Đồn Vân, chữ Hán Nôm đọc từ phải sang trái là Vân Đồn, Vân Đồn thành khẩu ngữ và địa danh từ đó đến nay.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Đức Hưởng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Vân Đồn sẽ phát huy các giá trị Lịch sử-Văn hóa tạo điểm tựa cho trụ cột kinh tế biển xây dựng địa phương giàu mạnh, bảo vệ chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc tổ quốc. |
Vân Đồn trên bến dưới thuyền trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế, hải cảng hưng thịnh 7 thế kỷ với 3 vương triều của nhà nước phong kiến Đại Việt từ Lý, Trần, Lê. Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự du nhập của quốc gia Đại Việt vào hệ thống hải thương khu vực và quốc tế. Đồng thời việc nhà Lý lập trang Vân Đồn và biến khu vực Đông Bắc thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt là một chuyển động hội nhập một cách chủ động vào hệ thống thương mại quốc tế và khu vực.
Quang cảnh buổi lễ trọng thể tổ chức vào tối ngày 22/12/2023. |
Thương cảng Vân Đồn gồm nhiều bến thuyền lớn nhỏ, phạm vi 200km2 trong quần đảo Vân Hải vùng vịnh Bái Tử Long và một số xã ven biển thuộc các địa phương: Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên… nhưng tập trung nhất hệ thống cảng nằm tại các đảo: Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Quan Lạn-Minh Châu (Vân Đồn).
Một nét văn hóa phi vật thể về Lễ Hội thương cảng Vân Đồn. |
Ngọc Vừng xã đảo nơi Bác Hồ đến
Ngày 12/11/1962, Bác Hồ ra thăm đảo Ngọc Vừng, Bác căn dặn: “Quân dân phải đoàn kết giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo, làm giàu kinh tế”. Lời thiêng Bác dạy đã thành hiện thực, xã đã hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu. Một hòn đảo giàu có-bình yên trên sóng nước của quần đảo huyện Vân Đồn, Ngọc Vừng chuyển động như một bức tranh kinh tế tỏa sáng nới in dấu chân Bác.
Khu lưu niệm Bác Hồ ra thăm đảo Ngọc Vừng ngày 12/11/1962. |
Năm 2018, xã Ngọc Vừng hoàn thành tiêu chí xã Nông thôn mới. Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Vừng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (đạt chuẩn 57/57 chỉ tiêu). Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đạt 19/19 tiêu chí và đạt 75/75 chỉ tiêu.
Cụ thể, xã đảo có quy hoạch chung, có quy chế quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch; có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, xây dựng các điểm dân cư mới phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa hải đảo.
Quy mô thương cảng Vân Đồn khá sầm uất qua việc phát hiện nhiều bến bãi với đồ gốm và đồng tiền cổ thuộc nhiều triều đại. Các di tích phân bố trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn. |
Xã hiện Ngọc Vừng có 11,9km/11,99km đường trục xã được nhựa hoá, bê tông hoá 100% (nhựa hoá 6,2km; bê tông hoá 5,79km) rộng mặt đường từ 6m trở lên; có 8,49 km/11,99km đạt 70,8% đường trục xã được trồng cây xanh, cây hoa; 10,1km/11,99km đạt 84,2% lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng bóng điện cao áp, đèn Led; 4,2km/4,2km đường thôn được bê tông hoá 100%, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đường cấp V; 1,34km/1,34km đường ngõ, xóm được bê tông hoá 100%.
Diện tích sản xuất nông nghiệp trên đảo có 52,02ha. Thủy lợi gồm 2 hồ chứa nước trữ lượng 0,12 triệu m3 và hệ thống kênh mương tưới tiêu dài 5,1km (trong đó 4,1km/5,1km đã được kiên cố hoá) đáp ứng nhu cầu tưới chủ động cho 49,96ha, đạt tỉ lệ 96%, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đường giao thông nội đồng có 1,3km/1,3km đã thực hiện cứng hóa, 100% được bê tông hoá, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, rộng mặt đường rộng trên 2m.
Xã Ngọc Vừng là một trong các xã đảo được quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia. Hệ thống điện có 3 trạm biến áp với tổng công suất 580KV, đường dây 22KV dài 14,45Km, đường dây 0,4KV dài 12Km, chia đều trên 3/3 thôn trên và hoạt động ổn định đảm bảo đạt tiêu chuẩn, phục vụ cung cấp nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong sản xuất và đời sống.
Quang cảnh thương cảnh Vân Đồn ở xã Tháng Lợi ngày nay. |
Về cơ sở giáo dục, Ngọc Vừng hiện có 2 trường là trường Mầm non và trường tiểu học & THCS đều đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học và THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ II. Trung tâm văn hoá thể thao xã với quy mô xây dựng 5.853m2 gồm Hội trường 657m2, sân 5.196m2; tổng kinh phí đầu tư 4,9 tỷ đồng. Mỗi thôn đều có nhà văn hoá – khu thể thao được xây dựng mới với tổng quy mô xây dựng 2.189,4m2, đảm bảo từ 100 chỗ ngồi trở lên.
Từ năm 2018, xã Ngọc Vừng triển khai xây dựng thôn đạt chuẩn Nông thôn mới và Hộ gia đình Nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, xã có 3/3 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn Nông thôn mới, đạt 100%; 98/222 hộ đạt 41,1% được công nhận gia đình Nông thôn mới. 222/222 hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn nhà kiên cố theo quy định, đạt 100%.
Toàn xã có 38 hộ làm nghề sản xuất nông lâm ngư nghiệp, trong đó có 18 hộ nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích nuôi trồng 36,13ha; 20 hộ làm trồng trọt, chăn nuôi. 18 hộ nuôi trồng thuỷ sản kết hợp dịch vụ chế biến thực phẩm, như chế biến mắm tép, tép khô, cá 1 nắng… Sản lượng sau chế biến đạt 43tấn/năm, đưa lại giá trị thu nhập cao cho hộ dân. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên đảo đạt bình quân năm 2021 đạt 70.221triệu đồng/năm, năm 2022 ước đạt 66.609triệu đồng /năm.
Xã đảo Ngọc Vừng đang có bước phát triển mạnh về dịch vụ du lịch. Hiện có 4 cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống đặc sản biển, 6 cơ sở lưu trú nhà nghỉ với trên 120 phòng, có 6 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng Homestay. Các nhà hàng ăn uống, giải khát, văn hóa ca hát… bung ra đáp ứng nhu cầu du khách, đồng thời tạo ra nguồn thu mới trong cơ cấu nguồn thu của địa phương.
Tép và mắm tép là đặc sản thương hiệu ocop của xã đảo Ngọc Vừng. |
Năm 2022, kết quả thu nhập chung của xã đảo Ngọc Vừng đạt 84.678triệu đồng, bình quân đầu người đạt 103,3 triệu đồng. Năm 2022, ước đạt 85.942triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 103,3triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2021-2025, xã Ngọc Vừng không có hộ cận nghèo, hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.
Chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, 100% dân đảo được quản lý hồ sơ sức khỏe thông qua hệ thống phần mềm của ngành Y tế. Cảnh quan môi trường khu dân cư được cải thiện. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xóm thôn đã có ý thức phân loại, thu gom, xử lý chất thải, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn bình quân 22,12 tấn/tháng, trong đó chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại có 22,04 tấn/tháng, lượng được thu gom xử lý tập trung theo quy định đạt 99% (21,9 tấn/tháng). Lượng còn lại được xử lý tại hộ gia đình với khối lượng rác thải rắn 0,12 tấn/tháng, chiếm 0,1% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Công trình hồ Cẩu Lẩu cấp nước sạch quy mô toàn xã, cung cấp 125m3 nước/ngày/đêm đáp ứng đủ nước hợp vệ sinh cho 222/222 hộ, đạt 100%.
Vân Đồn 75 năm Ngày thành lập huyện
Năm nay Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập huyện Vân Đồn (26/12/1948 – 26/12/2023). Huyện Vân Đồn nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, là một vùng biển nằm trong vịnh Bắc Bộ với trên 600 hòn đảo lớn nhỏ thuộc hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải. Đảo lớn nhất và tập trung đông dân nhất của huyện là đảo Cái Bầu với diện tích tự nhiên 17.212 ha, cách đất liền qua lạch biển Cửa Suốt là thành phố Cẩm Phả.
Đảo Vân đồn huyệt đạo xã tắc, cột mốc cực Đông Bắc quốc gia. |
Vân Đồn từ thời phong kiến đến nay đã nhiều lần thay tên và địa giới hành chính khi là huyện, khi là châu; ngày 26/12/1948 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập huyện Cẩm Phả; địa giới hành chính phần được tách ra từ thị xã Cẩm Phả, phần từ thị xã Hồng Gai. Huyện Cẩm Phả khi đó gồm 12 xã: Hồng Thanh, Vân Hải, Minh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Hạ Long, Đông Hà, Xuyên Yên.
Ngày 6 tháng 3 năm 1957, chia xã Vân Hải thành 4 xã: Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng, Minh Châu; ngày 12 tháng 12 năm 1957, thành lập xã Vạn Hoa; ngày 16 tháng 7 năm 1964, sáp nhập hai xã Cô Tô và Thanh Lân vào huyện Cẩm Phả; ngày 26 tháng 9 năm 1966, sáp nhập xã Tân Hải thuộc thị xã Hồng Gai và xã Thắng Lợi thuộc thị xã Cẩm Phả vào huyện Cẩm Phả; ngày 16 tháng 1 năm 1979, sáp nhập xã Văn Châu vào xã Cộng Hòa và chuyển xã này về thị xã Cẩm Phả; ngày 10 tháng 9 năm 1981, thành lập thị trấn Cái Rồng, sáp nhập xã Tân Hải vào xã Ngọc Vừng và sáp nhập xã Thạch Hà vào các xã Đông Xá, Hạ Long và thị trấn Cái Rồng; ngày 16 tháng 4 năm 1988, sáp nhập xã Vạn Hoa vào xã Vạn Yên.
Năm 1993, huyện Cẩm Phả có 1 thị trấn Cái Rồng và 13 xã: Bản Sen, Bình Dân, Cô Tô, Đài Xuyên, Đoàn Kết, Đông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thắng Lợi, Thanh Lân, Vạn Yên. Ngày 23 tháng 3 năm 1994, huyện Cẩm Phả được đổi tên thành huyện Vân Đồn; đồng thời tách 2 xã Cô Tô, Thanh Lân để thành lập huyện đảo Cô Tô.
Cây phong ba trồng trên đảo Nêm, do Bộ đội đảo Trường Sa tặng Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh. |
Đất nông nghiệp của Vân Đồn 1.242ha trong đó: đất trồng lúa gần 600 ha, và gần 100 ha cây ăn quả. Tổng sản lượng lương thực hàng năm khoảng 5.000 tấn quy thóc. Kinh tế biển chủ yếu là khai thác hải sản ven bờ, nuôi trồng hải sản; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, các loại hình dịch vụ du lịch. Khu kinh tế Vân Đồn được Chính phủ phê duyệt thành lập từ năm 2007, đang được triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, đây sẽ là một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế, vùng kinh tế biển năng động của Quảng Ninh.
Vân Đồn huyện đảo xây dựng Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Việt Nam
Năm 2021, Vân Đồn đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Vắn tắt một số nhóm tiêu chí, huyện đã thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 11 xã, trên cơ sở quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Đồn, từ năm 2017 đến nay, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt 14/16 quy hoạch phân khu (có 116 đồ án quy hoạch chi tiết đã được duyệt) bao trùm toàn bộ các xã, thị trấn của huyện. Hiện nay các xã, thị trấn của huyện đang triển khai theo quy hoạch phân khu được phê duyệt.
Ngày 21/8/2015, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 973/QĐ-BXD công nhận thị trấn Cái Rồng mở rộng là đô thị loại IV; một góc của thị trấn Cái Rồng. |
Hệ thống giao thông của huyện có 267km, đến nay 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt chuẩn theo quy định (năm 2010 mới đạt 45,9%); 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã có điện chiếu sáng (đèn Led, đèn năng lượng mặt trời) (năm 2010 chưa có); trên 89,8% tổng số tuyến đường nông thôn đã được trồng cây xanh; có các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông như: đèn tín hiệu, biển báo giao thông, biển chỉ dẫn, tên đường, gờ giảm tốc, đảm bảo theo quy định. Thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm xây dựng Khu Kinh tế được đầu tư xây dựng như: Dự án Cảng hàng không Vân Đồn Quảng Ninh; đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường đấu nối các khu chức năng Khu kinh tế; các dự án xây dựng khu Đô thị, khu tái định cư (đô thị Phương Đông xã Đông Xá, đô thị Ao tiên xã Hạ Long, tái định cư tại các xã Đoàn Kết, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Minh Châu,…); dự án cảng cá, cảng du lịch, khu neo đậu, tránh trú bão,…. được xây dựng hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế của huyện cơ hội phát triển, có bước tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua.
Cam Vân đồn có giá trị thương phẩm, đồng thời còn là sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn. |
Hệ thống thủy lợi của huyện có 25 hồ, đập chứa nước và 61km kênh mương nội đồng, đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, kiên cố hoàn thiện, duy tu thường xuyên, góp phần hoàn thiện hệ thống tưới tiêu chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp (đạt 98%), đáp ứng các điều kiện chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hệ thống điện, được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đặc biệt năm 2015 hoàn thiện hạ tầng điện lưới cho 05 xã đảo (Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi), hệ thống trạm biến áp, đường dây hạ thế trên toàn huyện được đầu tư đạt chuẩn theo quy định, đến nay tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%, tăng 16,6% so với năm 2010.
Cơ sở vật chất trường học, được đầu tư xây dựng hoàn thiện và khang trang hơn, toàn huyện có 33 trường học, 100% trường học các cấp từ mầm non đến PTTH được đầu tư đạt chuẩn cơ sở vật chất (năm 2010 chỉ có 02/33 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất). Đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 01 trở lên (trong đó, có 9/33 trường đạt chuẩn mức độ II ).
Cơ sở vật chất văn hoá, các thiết chế văn hoá, được xây dựng đồng bộ tại 100% các xã, thôn. Toàn huyện hiện đã có 09/11 xã được xây dựng mới Trung tâm văn hoá – thể thao xã đạt tiêu chuẩn, quy mô trên 250 chỗ ngồi; 72/72 thôn, khu có nhà văn hoá được xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn (trong đó: có 59/72 nhà văn hóa được xây mới, 13 nhà văn hoá nâng cấp), năm 2010 chưa xã nào có Trung tâm văn hoá thể thao xã, nhà văn hoá thôn đạt chuẩn.
Cơ sở sản xuất nước mắm Vân Đồn. |
Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, được đầu tư và phát triển mạnh với 1 chợ huyện và 9 chợ xã được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn chợ hạng 2; có trên 240 cửa hàng tiện ích tại các xã, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hoá phục vụ sinh hoạt của người dân (năm 2010 khu vực nông thôn có 01 chợ được xây dựng, nhưng không hoạt động).
Hiện toàn huyện có 7/11 xã có hạ tầng khu dân cư mới, khu tái định cư được đầu tư đảm bảo nhu cầu đất ở của người dân, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn. Đến nay, 100% hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố (năm 2010 tỷ lệ này là 95%), hiện toàn huyện không còn nhà tạm và dột nát (năm 2010 là 4,8%).
Dịch vụ du lịch bãi biển là thế mạnh của các xã đảo. |
Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống và phúc lợi cho Nhân dân. Hạ tầng đô thị đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV, hệ thống giao thông, điện, hệ thống cấp, thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác ngày càng đồng bộ. Đặc biệt, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, đến nay 100% địa bàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn có cơ sở hạ tầng đáp ứng đạt chuẩn nông thôn mới và từng bước tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cấp đô thị, đô thị văn minh.
Về kinh tế và tổ chức sản xuất, thời gian qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về những thay đổi của cơ chế chính sách, điều chỉnh quy hoạch của Khu Kinh tế, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, … song kinh tế của huyện luôn giữ được mức tăng trưởng cao (đặc biệt từ năm 2020 đến nay): tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 17,8%; năm 2021 đạt 20,2%, năm 2022 đạt 32%. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt 9.663,7 tỷ đồng (tăng 8.099,7 tỷ đồng so với năm 2010, tăng 2.340,7 tỷ đồng so với năm 2021). Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp.
Cở sở chế biến rượu hoa mai vàng của Vân Đồn nổi danh thương hiệu trong và ngoài tỉnh. |
Với mục tiêu xây dựng huyện Vân Đồn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Vân Đồn đã ban hành kế hoạch triển khai hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và chỉ đạo xây dựng hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao hoàn thành trong năm 2023. Trên cơ sở Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Huyện đã chỉ đạo giao các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, đánh giá kết quả, có giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung chỉ tiêu chưa đạt chuẩn, tham mưu đề xuất nguồn lực thực hiện để đạt chuẩn theo bộ tiêu chí. Huyện Vân Đồn đã chỉ đạo tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, là rà soát các quy hoạch phân khu chức năng của Khu Kinh tế Vân Đồn; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện: khu dịch vụ hậu cận nghề cá, chợ cá, cảng cá, trung tâm OCOP huyện, chợ huyện,… phù hợp với nhu cầu và thực tiễn.
Về hạ tầng kinh tế – xã hội, rà soát nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường trung tâm; bổ sung hoàn thiện các hạng mục về an toàn giao thông theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ,…) trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn; bổ sung trồng cây xanh, điện chiếu sáng trên các trục đường thôn, ngõ chưa đạt tiêu chí nông thôn mới. Đánh giá và lập hồ sơ dữ liệu các công trình trình thuỷ lợi trên địa bàn, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của Tỉnh khi Tỉnh triển khai phần mầm dữ liệu theo chuyển đổi số; thực hiện kiểm kê, kiểm soát nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi; xây dựng mô hình quản lý nước mặt (ao, hồ) trên địa bàn huyện.
Về tổ chức sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mở rộng sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với du lịch, dịch vụ, chế biến hiện đại từ đó nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, phát triển bền vững. Kiên trì thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản lợi thế của Huyện. Chuyển dần diện tích trồng rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng cây gỗ lớn có hiệu quả kinh tế cao.
Bến cảng du lịch cao cấp Ao Tiên. |
Vận dụng tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực thế mạnh của huyện như: nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; chế biến lâm sản, thuỷ sản; sản xuất giống thủy sản, thương mại – dịch vụ, du lịch,… tạo động lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của huyện.
Nguồn: Báo xây dựng