Thị trường carbon: Cuộc chơi không của riêng ai!
Giá carbon ngày càng đắt
Việc nhiều nước trên thế giới áp dụng chính sách thuế carbon khiến nhiều DN sản xuất ở Việt Nam chịu áp lực rất lớn. Gần đây nhất, việc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 càng khiến cho áp lực ngày càng lớn.
Lộ trình cơ chế CBAM theo liên minh châu Âu.
Theo lộ trình đề ra, từ ngày 1/10/2023, (EU) bắt đầu thí điểm CBAM. Với quy định này, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải khai báo lượng khí thải nhà kính có trong sản phẩm nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU thì sẽ phải mua “tín chỉ carbon” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Giai đoạn ban đầu của CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất, bao gồm: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện.
Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này. Với mức giá của hạn ngạch phát thải hiện tại của EU, các nhà nhập khẩu sắt thép sẽ phải cần có 1,7 triệu tín chỉ với chi phí là 146 triệu USD.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trung bình để làm ra 1 tấn thép sẽ thải ra 1,85 tấn khí CO2. Năm 2022, trung bình giá tín chỉ carbon trên EU ETS ở mức hơn 80 EUR/tấn CO2 hoặc khí nhà kính, tức là làm ra cả 1 tấn thép thì mới phải trả thuế phát thải hơn 3.300.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,36 triệu tấn thép sang châu Âu, nếu nhân với sản lượng xuất khẩu này, thì các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam sẽ mất đến hàng nghìn tỷ đồng khi CBAM chính thức giai đoạn vận hành vào năm 2026.
Đó là chưa kể mức giá tín chỉ sẽ thay đổi theo xu hướng ngày càng tăng. Theo phân tích của công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, năm 2022, EU ETS trị giá khoảng 751 tỷ EUR, tăng 10% so với năm 2021 và chiếm khoảng 87% tổng giá trị của thị trường carbon toàn cầu. Năm 2022, trung bình giá tín chỉ carbon trên EU ETS ở mức hơn 80 EUR/tấn CO2 hoặc khí nhà kính, tăng 50% giá trị so với 1 năm trước đó do cuộc xung đột ở Ukraine đẩy giá năng lượng tăng cao.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giá sản phẩm này tới năm 2035 có thể tăng lên mức trung bình 120 – 150 USD/tấn CO2. Đến năm 2050, giá có thể đạt tới 250 USD/tấn CO2. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho phát thải đó.
Giá giao dịch hạn ngạch carbon tăng dần theo mỗi năm.
Trao đổi tại một buổi hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, nếu không chuyển đổi xanh trong sản xuất, các DN Việt Nam sẽ phải mất cho EU hơn 80 EUR/tấn CO2 hoặc khí nhà kính, Hoa Kỳ 40 USD/tấn, Singapore 25 USD/tấn vào năm 2024-2025, 45 USD/tấn vào năm 2026-2027. “Để ứng phó với “cơn bão carbon”, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt cần thực hiện là phải kiểm kê được khí nhà kính. Cần nắm được lượng phát thải của cơ quan mình bao nhiêu mới có chính sách phù hợp”, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
DN trong nước không đứng ngoài cuộc
Cần chú ý rằng, giảm phát thải, trung hòa carbon tới đây không chỉ là con đường tất yếu với các DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà với cả doanh nghiệp đang hoạt động trong thị trường. Bởi lẽ, Việt Nam cũng đưa ra các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26. Cụ thể, Việt Nam cam kết với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào 2050.
Ngoài ra, theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đến năm 2030, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tCO2e trở lên phải thực hiện giảm phát thải; đến năm 2050, các cơ sở có mức phát thải hằng năm từ 200 tCO2e trở lên phải thực hiện giảm phát thải.
Bắt đầu từ năm nay, có 1.912 DN sản xuất cũng phải cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Sau đó, giai đoạn từ 2026–2030, các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ.
Theo quy định, từ năm 2026, các cơ sở phải giảm phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch phát thải do Thủ tướng Chính phủ ban hành và Bộ Tài nguyên môi trường phân bổ cho từng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng là một trong những ngành nằm trong danh sách kiểm kê khí nhà kính trong năm 2023.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Theo dự thảo này, tổng số cơ sở thuộc các danh mục cập nhật là 2.893, tăng thêm 981 cơ sở, tương đương với mức tăng 51,3% so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.
Ngọc Anh – Kim Thoa