Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Xây dựng) – Ngày 23/12, tại sân vận động trung tâm huyện Mù Căng Chải đã diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; khai mạc Festival trình diễn khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023.

Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các nghệ nhân đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến dự và chỉ đạo buổi lễ có các đồng chí: Hầu A Lềnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Nie K’đăm – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Đức Duy – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.

Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khẳng định: “Nghệ thuật khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên; đã và đang được đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái giữ gìn với niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, xứ sở để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lễ công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản, cũng như tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong cộng đồng, để di sản tiếp tục được lan tỏa hôm nay và mai sau; “biến di sản thành tài sản” phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu những hình ảnh đặc sắc về văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh và du lịch của tỉnh, tạo dựng hình ảnh Yên Bái thân thiện, mến khách, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến với Yên Bái”.

Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Biểu diễn khèn Mông.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao các chứng nhận đưa “Nghệ thuật Khèn”, “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau phần lễ là chuyển sang phần hội, các đại biểu, du khách và nhân dân các dân tộc trong vùng được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Thanh âm giữa ngàn mây” gồm 3 chương: Chương I – “Khát vọng lời khèn”, chương II – “Âm vang trong mây ngàn”, chương III – “Tiếng khèn gọi mùa xuân” và kết thúc bằng màn đồng diễn nghệ thuật khèn Mông với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên, đã đem đến cho du khách một trải nghiệm ấn tượng, hiểu rõ về giá trị nghệ thuật cao trong nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh.

Ông Trịnh Thế Bình – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: “Mặc dù là huyện vùng cao, dân cư phân tán, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, song chúng tôi đã cố gắng huy động 1.000 diễn viên, học sinh, nghệ nhân tích cực tập luyện cho hoạt động diễu diễn đường phố và các hoạt động bổ trợ trong khuôn khổ sự kiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức sự kiện để có một chương trình nghệ thuật hoành tráng, nhưng vẫn mang sắc màu văn hóa đặc trưng của người Mông. Nhân dân các thôn, bản cũng khẩn trương vệ sinh nhà cửa, trang hoàng đường làng, ngõ xóm để đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” .

Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Yên Bái: Công bố quyết định và đón nhận chứng nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của phụ nữ Mông.

Hưởng ứng sự kiện đặc biệt và ý nghĩa này, các hoạt động phụ trợ sẽ được diễn ra đến hết ngày 24/12/2023 như: Trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương trong tỉnh và huyện Mường La, tỉnh Sơn La; tổ chức giao lưu hội thi múa khèn tốp; không gian văn hóa dân tộc Mông; hoạt động trình diễn giã bánh dày; Hội thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ… Qua đó, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên; cùng thưởng lãm và đắm chìm trong sắc thắm của những thảm hoa Tớ Dày trải dài trên những sườn núi… để cùng cảm nhận trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời Tây Bắc đang bước vào Xuân mới 2024, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền Giáp Thìn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích