Thành phố Hồ Chí Minh: Cao điểm chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả dịp cuối năm
Hàng lậu, hàng giả vẫn còn nhiều đất sống
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, các loại hàng hóa nhập lậu như: đường cát, thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, thực phẩm, mỹ phẩm… liên tục tăng trong các tháng. Trong số đó có rất nhiều mặt hàng lậu được chuyển về từ hướng biên giới Tây Nam, tập kết tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và chia nhỏ đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác.
Trong tháng 11/2023, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 750 vụ chuyên ngành và liên ngành, trong đó: Tổng số vụ kiểm tra chuyên ngành là 626 vụ (tăng 48 vụ so với tháng trước). Số vụ vi phạm: 614 vụ.
Tổng số vụ đã xử lý là 566 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 10.884.884.000 đồng, trong đó tiền thu phạt hành chính là 10.545.004.000 đồng và tiền bán hàng tịch thu là 339.880.000 đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 5.419.559.000 đồng.
Cũng trong tháng 11, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 01 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, từ 15/12/2022 đến ngày 14/11/2023, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành và liên ngành: 53.146 vụ, giảm 0,63% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 85.442.543.000 đồng, tăng 89,88% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hóa tiêu hủy là 59.777.145.000 đồng, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 116 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 4,32 tỷ đồng.
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là lúc buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại gia tăng. Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm, đầu mối giao thông liên vùng, quốc gia và quốc tế nên nạn buôn lậu lại càng “nóng”.
Đáng nói, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn lẩn tránh cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi môi trường internet phát triển, thương mại điện tử, mạng xã hội trở nên phổ biến, buôn lậu, kinh doanh hàng giả có thêm “đất” để lộng hành.
Thậm chí, các đối tượng tổ chức thành đường dây, ổ nhóm, lập nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội, rao bán công khai hàng lậu, hàng giả. Cơ quan chức năng rất khó truy dấu vết, triệt phá khi đối tượng liên tục thay đổi tài khoản, địa điểm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người dân. Để ngăn chặn hành vi vi phạm này, việc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường Thành phố là công việc thường xuyên, liên tục, nhưng việc nhận diện hàng giả còn gặp trở ngại.
“Để công tác này hiệu quả cần có sự phối hợp của các bộ ngành, cũng như sự hỗ trợ của công nghệ. Việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng không những bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, an toàn cho người dân mà còn bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam” ông Đạt nhấn mạnh.
Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, dịp cuối năm 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực.
Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Do vậy, đơn vị đang tập trung triển khai những giải pháp ngăn chặn quyết liệt, không để trở thành điểm nóng.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023, tăng cường quản lý địa bàn, triển khai kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, các nhóm hàng hóa trọng tâm, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thương mại điện tử.
Tập trung đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.
Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo kế hoạch, toàn đơn vị sẽ tập trung thực hiện về các chuyên đề hàng hóa giả mạo nhãn mác, gian lận nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; mua, bán trao đổi hàng hoá trên sàn giao dịch điện tử, mua, bán online, các website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm tại các địa bàn nổi cộm, nhóm những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền.
Đặc biệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho Nhân dân.
Ngoài ra tích cực kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm (nhóm hàng nông lâm thủy sản), tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm đường phố; việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá.
Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu