Xóa lo ngại về nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp
Về phát triển nhà ở cho công nhân nói chung và công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) nói riêng, trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, lâu nay lực lượng công nhân đóng góp rất lớn, nhưng đãi ngộ về nhà ở cho công nhân chưa tương xứng. “Trong quy định đã có nhưng chưa tương xứng với những đóng góp của anh em công nhân, lao động đã cống hiến”. Không thể chậm hơn nữa việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho tại các KCN.
Khu nhà ở của công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Công nhân mong có cơ chế hỗ trợ trong vấn đề thuê nhà
Nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp cho nhà ở công nhân đã được đưa ra như bố trí nguồn vốn ưu đãi, tạo ra nhiều mô hình phát triển như nhà ở cho thuê; nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp; nhà ở dân doanh… Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, đặc biệt có chính sách cho các hộ dân xây nhà cho thuê được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở…
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách; chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên thực tế nhà ở dành cho công nhân tại các KCN tại một số địa phương vẫn còn là vấn đề bức thiết hiện nay.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy tại tòa nhà CT1B, CT1A – nơi dành cho công nhân KCN trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) thuê cho thấy, nhu cầu nhà ở của công nhân là rất lớn. Cả hai tòa đã kín cư dân, phần lớn là công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long, KCN Quang Minh.
Chị Nguyễn Thị Phương (một công nhân đang thuê tại tòa CT1B) chia sẻ, cách đây 4 năm hai vợ chồng chị thuê căn nhà hơn 50m2, giá thuê 24.000 đồng/m2/tháng; nay giá thuê nhà tăng lên 30.000 đồng/m2/tháng. “Công nhân lương thấp, chỉ đủ chi tiêu trong tháng; nay tiền thuê nhà tăng thêm, với chúng tôi là một nỗi lo. Chúng tôi mong muốn có cơ chế để hỗ trợ người dân, đặc biệt là công nhân các KCN như chúng tôi trong vấn đề thuê nhà”, chị Phương nói.
Cơ chế, giải pháp phải cụ thể
Bộ Xây dựng có Công văn số 3822/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân KCN. Theo đó, Bộ tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014; trong đó chính sách nhà ở công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển. Để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các KCN trong thời điểm trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp và tập trung triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn. “Các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội; nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động”, bộ này nêu rõ.
Ngoài ra, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐVN trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bao gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân tại khu công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép với nhà ở xã hội.
Ông Sinh cho rằng, quy định về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp còn nhiều bất cập. Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng ưu đãi vay để mua, thuê nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.
“Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm theo quy định của pháp luật; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
Từ đó, ông Sinh đưa ra một số giải pháp trong đó đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm.
Cần có cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh cải các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê.
Nguồn: Báo xây dựng