Bạc Liêu: Khai mạc Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP năm 2023
(Xây dựng) – Tối 22/12, tại khuôn viên trước Nhà hát Cao Văn Lầu (Thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu) đã diễn ra chương trình khai mạc Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023 (gọi tắt là Ngày hội). Ngày hội là chuỗi hoạt động mang ý nghĩa cụ thể hóa Kế hoạch 97 của UBND tỉnh về tập trung phát triển du lịch Bạc Liêu thông qua chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu. |
Ngày hội cũng là kênh quảng bá trực tiếp nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong việc đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực này, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh phát triển nông thôn gắn với chuyển đổi số.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, du lịch Bạc Liêu có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, hàng năm lượng khách du lịch tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước. Năm 2023, Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Bạc Liêu có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, nhiều nhất trong toàn vùng. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh như: Du lịch văn hóa gắn với Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh…
Thời gian tới, Bạc Liêu đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, quyết tâm xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành khu du lịch quốc gia, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, thì các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng của du khách cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu và thị hiếu của du khách. Các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu sẽ ngày càng lớn mạnh, “phủ sóng” ngày càng rộng và mang lại nhiều giá trị hơn cho tỉnh nhà.
Ngày hội diễn ra trong 3 ngày (từ 22 – 24/12) với các hoạt động chính: Tổ chức không gian trình diễn các làng nghề truyền thống, giao lưu trình diễn nghệ thuật truyền thống và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu (tại khuôn viên trước Nhà hát Cao Văn Lầu), tổ chức đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tại chùa Xiêm Cán (thành phố Bạc Liêu), Hội thi tuyên truyền lưu động về du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới; Hội thi ẩm thực về đặc sản nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu…
Các vị lãnh đạo tham quan gian hàng sản phẩm OCOP. |
Chiều 22/12, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, truyền thông và chuyên gia tư vấn du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới tại Vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Trong đợt khảo sát lần này, ngày 23/12, Đoàn sẽ tiếp tục đến với một số điểm du lịch của Bạc Liêu như: Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Giác Hoa, cánh đồng hoa Huỳnh, khu du lịch sinh thái Cánh đồng Cậu Ba (huyện Vĩnh Lợi), chùa Xiêm Cán (thành phố Bạc Liêu)… Chuyến khảo sát nhằm đánh giá tiềm năng để kết nối tua tuyến du lịch giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành, đặc biệt là mảng du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bạc Liêu.
Nằm trong chuỗi lễ hội, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Với 84 thành viên trong nhiệm kỳ đầu tiên (2028 – 2023), Hiệp hội Du lịch đã có những hoạt động tích cực trong vai trò là người đại diện cho các doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước trong hoạt động du lịch. Đại hội đã bầu 19 thành viên vào Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2023 – 2028; ông Trịnh Công Vinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Bạc Liêu tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội.
Ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự đóng góp của Hiệp hội Du lịch trong sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, nhất là trong giai đoạn khó khăn chung của tình hình ngành Du lịch cả nước. Trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chấp hành khóa mới sẽ khẩn trương xây dựng ổn định tổ chức, hoạt động có hiệu quả, xây dựng quy chế, chương trình hành động với kế hoạch cụ thể theo từng năm; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động đề xuất với chính quyền địa phương trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương liên quan đến phát triển du lịch.
Nguồn: Báo xây dựng