Truy xuất nguồn gốc cần thống nhất chuẩn chung tiêu chuẩn quốc gia

Tích cực triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng

Theo chia sẻ của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội, trước tình hình sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng… thì truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.

Là một người tiêu dùng, chị Giang Thị Hải khi đi mua các sản phẩm nông sản, thường đặt ra câu hỏi: “Có thông tin chi tiết về sản phẩm không?”. Câu hỏi ngắn nhưng để trả lời được đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống từ quản lý nhà nước tới doanh nghiệp sản xuất. Dù là bó rau, hay quả mướp… để biết được thông tin về sản phẩm thì cần thiết phải kiểm soát được các bước trong quy trình sản xuất như giống, ngày xuống giống, quy trình trồng và chăm sóc, thu hái, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Có thể nói, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ đối với mặt hàng nông sản, tất cả sản phẩm hàng hóa khi lưu thông trên thị trường cần thiết phải gắn tem, mã truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…

 Truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao cả về kỹ thuật và thông tin dữ liệu gốc. (Ảnh minh họa)

Mặc dù là hoạt động cấp thiết nhưng trên thực tế, truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem, mã truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề như: truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng đồng bộ; hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao cả về kỹ thuật và thông tin dữ liệu gốc, yêu cầu các bên tham gia truy xuất nguồn gốc cần thống nhất chuẩn chung tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…

Trước những bất cập trong việc triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hàng loạt giải pháp được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và đơn vị quản lý thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc hiệu quả. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/01/2022 về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, hướng dẫn triển khai cũng được đẩy mạnh.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức khóa tập huấn về giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các cán bộ thuộc cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố. Khóa tập huấn cung cấp các nội dung giúp cơ quan, doanh nghiệp nắm bắt thông tin và hiểu rõ hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm vừa giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, vừa là công cụ giúp doanh nghiệp xử lý khi có sản phẩm lỗi trên thị trường.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì, tham mưu, phối hợp các bộ, ngành cùng xây dựng các hành lang pháp lý, tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ các địa phương về tài liệu cũng như chuyên gia trong hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Trong thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, qua đó tiếp cận, nắm thông tin, nhu cầu để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 – Truy xuất nguồn gốc 

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 – Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc do nhóm công tác về Truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 xây dựng dựa trên các nguyên tắc trọng tâm là “Định danh – Thu thập – Chia sẻ”. Các nguyên tắc này được sử dụng để đảm bảo giải pháp truy xuất nguồn gốc luôn đạt được hiệu quả. Về phạm vi áp dụng, Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc trong một tổ chức cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng. Được áp dụng cho tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không phân biệt quy mô của tổ chức, chuỗi cung ứng và áp dụng đồng thời các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho từng lĩnh vực, sản phẩm.

Yêu cầu khả năng tương tác, tổ chức phải xác định khung chung cho hệ thống truy xuất nguồn gốc (xem hình), bao gồm các phần tử tối thiểu (lớp cốt lõi) cần thiết cho việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc và mô tả cách các phần tử bổ sung có thể được thêm vào để giải quyết yêu cầu của ngành nghề cụ thể, phân loại sản phẩm, khu vực và vùng ứng dụng.

Yêu cầu về tính đa dạng, tổ chức phải xác định đầy đủ các nhu cầu, mục tiêu khi thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tổ chức phải định danh đơn nhất đối tượng truy xuất. Việc định danh các đối tượng truy xuất có thể theo 3 mức định danh chính (Định danh loại sản phẩm; Định danh lô, mẻ và Định danh đơn vị).

Tổ chức phải xác định phạm vi của hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Số bước trước – sau mà chuỗi cung ứng của tổ chức cần phải chia sẻ dữ liệu; số các bên truy xuất nguồn gốc tham gia trong tổ chức hoặc chuỗi cung ứng mà tổ chức cần tương tác trực tiếp; các thành phần chính, bao bì và các nguyên liệu gián tiếp mà tổ chức cần theo dõi; nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu với người dùng cuối của hệ thống. Tổ chức phải đảm bảo rằng hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng và kiểm soát phù hợp, hiệu quả.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được thu thập từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định, bao gồm dữ liệu về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải được tạo ra khi một quá trình liên quan đến truy xuất nguồn gốc được thực hiện trong tổ chức, bao gồm thông tin để trả lời câu hỏi “Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào và Tại sao” (5W).

Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có khả năng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng dữ liệu khác nhau, có tính thích ứng và có khả năng nâng cấp, được xây dựng dựa trên chuẩn chung với các bên tham gia để đảm bảo khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu.

Tổ chức phải xác định các sự kiện theo dõi trọng yếu (CTE) và các phần tử dữ liệu chính (KDE) trong các quá trình nghiệp vụ nội bộ của mình. Thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, lưu trữ, chia sẻ bên trong và bên ngoài một cách có hiệu quả. Mỗi bên truy xuất trong tổ chức phải có khả năng truy xuất ngược trực tiếp tới các bên truy xuất cung ứng đối tượng truy xuất và truy xuất xuôi trực tiếp tới bên tiếp nhận đối tượng truy xuất.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có khả năng tương tác và trao đổi thông tin với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng. Truy vấn được dữ liệu ở tuyến trước và tuyến sau của tổ chức, đồng thời có khả năng tiếp nhận chuỗi cung ứng phát sinh (Chuỗi cung ứng phát sinh là các chuỗi cung ứng trong đó hầu hết sản phẩm, chuỗi kiểm soát và chuỗi sở hữu không được xác định trước).

Về quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc, tổ chức phải chuẩn bị cho việc lưu trữ dữ liệu khi khối lượng dữ liệu truy xuất nguồn gốc được thu thập tăng dần theo thời gian, bao gồm hoạt động thu thập, lưu trữ và cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của tổ chức phải được xây dựng từ ba nguồn dữ liệu gồm: nguồn dữ liệu gốc (nguồn dữ liệu nghiệp vụ chung sử dụng trên tất cả hệ thống, ứng dụng và quá trình cho toàn bộ tổ chức), nguồn dữ liệu giao dịch (là kết quả của các giao dịch kinh doanh) và nguồn dữ liệu sự kiện nhận biết (thu thập những đối tượng đã tham gia vào quá trình, thời điểm quá trình diễn ra, nơi các đối tượng đã và sẽ đi qua, tại sao).

Tổ chức phải xác định các thông tin truy xuất nguồn gốc được chia sẻ với các bên tham gia, phương thức chia sẻ thông tin và cách thức kiểm soát phù hợp. Thông tin truy xuất nguồn gốc phải được lưu trữ nhằm đảm bảo sẵn có và phù hợp để sử dụng tại vị trí truy xuất nguồn gốc khi cần, được bảo vệ thỏa đáng (không làm thay đổi tính toàn vẹn, không làm mất tính bảo mật), được lưu trữ và hủy bỏ thích hợp.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích