Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trung tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có 140 điển hình tiên tiến là công nhân, viên chức, lao động có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 – 2023.

Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Đồng chí Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đánh giá kết quả phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, những năm qua, công tác phối hợp giữa hai bên trong triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các cán bộ Công đoàn và công nhân lao động trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Kết quả đó có được nhờ hai bên đã thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ ngày 1/8/2013 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Đó đồng thời cũng là nội dung quan trọng trong công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với Bộ Công an. 5 năm qua, từ việc triển khai thực hiện tốt phong trào, đã có nhiều điển hình tiên tiến, đạt thành tích xuất sắc được biểu dương, khen thưởng”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Để thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh Tổ quốc trong công nhân, viên chức, lao động.

Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Trung tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Minh Phương.

Cụ thể, trong hơn 5 năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 2 lần ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Công an về đảm bảo an ninh trật tự (Quy chế phối hợp lần thứ nhất ký kết vào tháng 9/2017 và Quy chế phối hợp lần thứ hai ký kết vào tháng 4/2023). Các Quy chế phối hợp có nội dung phù hợp, giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực hiện phong trào và kết quả thu được là tích cực, toàn diện.

Hai bên đã phối hợp thực hiện hiệu quả việc đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân, lao động và các cơ quan Công đoàn. Trong đó, các cấp Công đoàn đã chủ động nắm bắt tình hình; báo cáo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm sớm ổn định tình hình trong đoàn viên, công nhân, lao động, không để xảy ra những diễn biến phức tạp.

Lực lượng Công an phối hợp Công đoàn các cấp vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động làm tốt công tác phát hiện, tố giác và tham gia phòng, chống tội phạm. Phối hợp tiến hành xác minh thông tin trong xử lý đơn thư, kiến nghị của quần chúng nhân dân, xử lý tin báo về tội phạm, các dấu hiệu vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan đến công nhân, viên chức, lao động.

Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Lãnh đạo Bộ Công an trao khen thưởng cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: Minh Phương.

Đặc biệt, thời gian qua, trước khó khăn về kinh tế do dịch Covid-19, một bộ phận công nhân, lao động đã bị tác động, lôi kéo bởi các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cầm cố vay tiền với lãi suất cao dẫn đến mất khả năng chi trả, phải cầm cố thẻ ATM trả lương hằng tháng. Công an và LĐLĐ các địa phương đã phối hợp tăng cường các hoạt động tuyên truyền liên quan phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao… nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và tố giác tội phạm, không để ảnh hưởng đến cuộc sống và việc làm của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Cùng đó, hai bên tiến hành rà soát, lập danh sách, phân loại người nghiện trong công nhân, lao động. Trên cơ sở rà soát, phân loại Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục đối tượng nghiện, nghi nghiện là công nhân, lao động nhằm góp phần kiềm chế số người sử dụng trái phép chất ma túy. Ghi nhận trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định hàng nghìn vụ việc liên quan đến ma túy và tệ nạn xã hội trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và các doanh nghiệp. Qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, giảm thiểu hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội trong công nhân, lao động…

Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Đồng chí Hà Đông – Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ thành phố Hà Nội nhận khen thưởng từ lãnh đạo Bộ Công an. Ảnh: Minh Phương.

Để triển khai hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp Công đoàn cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là việc nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến cho phù hợp với từng địa bàn, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công nhân lao động. Xây dựng phong trào trước hết phải vì lợi ích của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu của đời sống công nhân lao động. Đặc biệt, phải nhận thức rõ tình hình an ninh trật tự của nước ta nói chung, của Công đoàn Việt Nam trong thời điểm này nói riêng để hướng phong trào vào những nội dung cụ thể, thiết thực về bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ở những nơi tập trung đông công nhân lao động.

Biểu dương 140 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Các tập thể tiêu biểu được Bộ Công an khen thưởng. Ảnh: Minh Phương.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của các mô hình điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chính quyền, chuyên môn và lực lượng Công an ở cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình, chú trọng việc sơ kết, đánh giá, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả mô hình.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích