Tác giả Nguyễn Khoa Hoàng Linh đạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững”
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi cho biết, thực hiện Quyết định số 300/QĐ-BCT ngày 17/2/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững và Tạp chí Công Thương đã tổ chức phát động Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Tác giả Nguyễn Khoa Hoàng Linh đạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững” |
Cuộc thi nhằm tìm kiếm một bộ biểu trưng độc đáo, sáng tạo, thể hiện được thông điệp của chương trình; góp phần nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng tham gia cuộc thi và của cộng đồng xã hội về sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến sự phát triển bền vững trong cộng đồng xã hội.
Phó Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ khẳng định: “Thành công lớn nhất của Cuộc thi là tập hợp được những tác phẩm dự thi thể hiện rõ tinh thần và truyền tải một cách sáng tạo thông điệp của Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, được sáng tác nghệ thuật dưới những hình thức tươi mới và mang tính biểu thẩm mỹ cao, dễ nhớ, dễ nhận biết, gây ấn tượng với công chúng”.
Sau hơn 1 tháng triển khai từ ngày 01/11/2023 đến 8/12/2023, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi từ hơn 150 tác giả là các chuyên gia thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ, đơn vị thiết kế, sinh viên các trường thiết kế đồ họa, mỹ thuật, các cá nhân trên khắp cả nước. Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 84 tác phẩm đảm bảo tiêu chí Điều lệ ban hành tham gia Vòng Sơ khảo và Vòng Chung khảo.
Tác phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững” của tác giả Nguyễn Khoa Hoàng Linh |
Tại Vòng Sơ khảo, Ban Giám khảo chấm điểm và chọn được 10 tác phẩm vào Vòng Chung khảo. Vòng Chung khảo, Ban Giám khảo chấm điểm và chọn được 3 tác phẩm đạt giải. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Khoa Hoàng Linh (thành phố Huế); 2 giải Khuyến khích được trao cho tác giả Phan Thị Thanh Nga (thành phố Hà Nội) và Nguyễn Nam Khánh (thành phố Lào Cai).
Thay mặt cho các tác giả đạt giải, ông Nguyễn Khoa Hoàng Linh chia sẻ: “Tôi rất vui mừng được biết tác phẩm của mình đạt giải cao nhất và sẽ được chọn là đại diện cho hình ảnh và thông điệp của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của Chương trình. Đây là sự cổ vũ lớn lao đối với tôi trong hành trình sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Tác phẩm đạt giải Nhất của tác giả Nguyễn Khoa Hoàng Linh được bố cục cách điệu với 2 hình hoa sen. Hoa sen bên ngoài được cách điệu với hình thức khối vận động, mạnh mẽ tượng trưng cho yếu tố sản xuất. Hoa sen bên trong được cách điệu hình dáng chiếc lá tượng trưng cho yếu tố tiêu dùng. Mảng âm dương hài hòa thể hiện sự hoà hợp, gắn kết, vận động thuận theo tự nhiên.
Ban tổ chức trao giải Khuyến khích cho 2 tác giả Phan Thị Thanh Nga và Nguyễn Nam Khánh |
Theo đánh giá của Ban giám khảo, bộ biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) của Nguyễn Khoa Hoàng Linh là một tác phẩm tốt về mặt thị giác, đã chuyển tải được thông điệp hướng đến tiêu chí bền vững và thân thiện môi trường theo nội dung của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đề ra; đạt được những yêu cầu về thiết kế như: thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được nét truyền thống kết hợp với xu thế hiện đại và hội nhập.
Bên cạnh đó, slogan được sáng tác và thiết kế hài hòa với chỉnh thể của logo; và thuận lợi cho việc in ấn, phóng to, thu nhỏ, đắp nổi, gia công được bằng mọi chất liệu. Đây là điều hết sức quan trọng, bởi logo và slogan sẽ đại diện cho hình ảnh và thông điệp của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, được xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của Chương trình.
Nguồn: Báo lao động thủ đô