Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 22/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Miền Bắc rét đậm đến bao giờ?
Sáng 22/12, nhiệt độ các vùng thuộc Bắc Bộ đang giảm sâu do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường. Đặc biệt, ở đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt đo được lúc 6h sáng ở mức -2,2 độ C, tại Sa Pa (Lào Cai) là 3,8 độ, Cao Bằng 6,5 độ, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 8,9 độ và Hà Nội là 12 độ,… Khoảng 7-8h, nhiệt độ ở các khu vực trên tăng thêm khoảng 0,5-1 độ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, miền Bắc đang trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt rét đậm, rét hại. Mặc dù về trưa trời có nắng nhưng vẫn rét khô, nhiều người ra đường cảm nhận rõ rét buốt.
Dự báo, đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khả năng sẽ kéo dài đến khoảng ngày 25/12.
Đồng thời, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa trong hôm nay tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm. Đáng lưu ý, từ 23-24/12, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Ngoài ra, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ngoài không khí lạnh tăng cường ngày 22/12, thì khoảng 27/12 sẽ có đợt nữa bổ sung thêm.
Dự báo xa hơn, cơ quan khí tượng nhận định, từ nay đến cuối tháng 12, không khí lạnh tiếp tục hoạt động.
Sang tháng 1/2024, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và số ngày rét đậm, rét hại thấp hơn so với TBNN.
Trong thời gian 1 tháng tới, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc vẫn phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ cao hơn từ 1-2 độ so với TBNN cùng thời kỳ.
Vùng núi cao ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã xuất hiện băng giá
Thông tin từ lãnh đạo xã La Pán Tẩn cho biết: do không khí lạnh tăng cường, những ngày qua nhiệt độ ở đây xuống thấp, có nhiều nơi đo được chỉ 2 độ C và nhiều điểm đã xuất hiện băng giá.
Xã đã chỉ đạo các trường học có giải pháp tăng cường chống rét cho học sinh, nhất là ngừng mọi hoạt động ngoài trời; đồng thời thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Hiện trên địa bàn xã chưa có trâu, bò chết do đói, rét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 6h hôm nay 22/12, Bắc Bộ chìm trong rét đậm, rét hại, có nơi xuống âm độ C.
Trung tâm huyện Mù Cang Chải, nơi có độ cao thấp hơn so với đèo La Pán Tẩn, nhiệt độ thấp nhất sáng nay khoảng 9 độ C. Cứ lên cao khoảng 100 m, nhiệt độ sẽ giảm 0,6 độ C.
Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng từ diễn tập phòng cháy, chữa cháy
Là xã có diện tích rừng lớn của huyện Điện Biên với trên 8.500ha rừng phòng hộ và khoảng 3.200ha rừng sản xuất, xã Mường Lói còn được biết đến là nơi có truyền thống giữ rừng rất tốt. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, huyện Điện Biên đã chọn xã Mường Lói tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Với tình huống giả định người dân khi phát cỏ, đốt thực bì làm nương, không tuân thủ theo quy định đã để xảy ra cháy lan sang khu vực rừng phòng hộ thuộc bản Lói, xã Mường Lói. Hơn 260 cán bộ, dân quân tự vệ, dự bị động viên, kiểm lâm, công an, quân sự và người dân đã được huy động tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói, cuộc diễn tập dù được đánh giá xếp loại giỏi, song từ thực tế diễn tập cũng chỉ ra những hạn chế như: hành động của bộ phận cơ động xã đến vị trí chữa cháy rừng còn chậm; ý thức trong xử trí tình huống chưa cao ở phần thực binh. Đây cũng là bài học để các lực lượng chức năng, chính quyền và người dân trên địa bàn xã rút kinh nghiệm, đẩy mạnh việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng trên địa bàn cũng như củng cố kỹ năng chữa cháy rừng cho các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng và người dân nơi có rừng… Thông qua diễn tập kịp thời bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với tình hình thực tế của địa phương.
Tháng 11 vừa qua, cuộc diễn tập ứng phó cháy rừng quy mô cấp huyện đã được TP. Điện Biên Phủ tổ chức tại xã Thanh Minh với 2 giai đoạn: tổ chức chuẩn bị ứng phó cháy rừng (phần cơ chế) và thực hành ứng phó cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn (phần thực binh). Đối với phần cơ chế, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng TP. Điện Biên Phủ tổ chức các hội nghị đánh giá tình hình, điều chỉnh kế hoạch ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; giao nhiệm vụ bổ sung, tổ chức hiệp đồng, triển khai các biện pháp ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Trong phần thực binh, tình huống giả định người dân đốt nương để xảy ra cháy rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc tiểu khu 717, bản Púng Tôm, xã Thanh Minh. Cuộc diễn tập huy động hơn 600 cán bộ, nhân dân, dân quân tự vệ, dự bị động viên; đầy đủ các loại phương tiện bảo đảm chữa cháy, trong đó có 5 xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh). Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng TP. Điện Biên Phủ đã thực hiện 2 vấn đề huấn luyện: Sử dụng lực lượng tại chỗ bản Púng Tôm và lực lượng tại chỗ xã Thanh Minh thực hành chữa cháy rừng, sơ tán di dời tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; lực lượng tăng cường của thành phố phối hợp với lực lượng tại chỗ của xã Thanh Minh và lực lượng đứng chân trên địa bàn thực hành chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Đồng Nai: Công bố kết luận thanh tra 4 cơ quan, 9 tổ chức
Tham dự buổi công bố, về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa; Chánh Thanh tra Bộ Lê Vũ Tuấn Anh; thành viên Đoàn Thanh tra. Về phía tỉnh Đồng Nai có ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Theo kết luận, trong thời gian từ ngày 29-11-2022 đến ngày 29-12-2022, đoàn đã tiến hành thanh tra đối với 4 cơ quan và 9 tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường kịp thời và đúng thẩm quyền. Công tác cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của tổ chức.
UBND tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch hạ tầng và quản lý việc xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn; việc thẩm định, phê duyệt các thủ tục môi trường được thực hiện đúng quy định. Công tác quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản chặt chẽ.
UBND các địa phương: TP.Long Khánh, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đạt kết quả cao; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản đúng quy định.
Báo cáo cũng chỉ ra các tồn tại là việc ban hành quy định tách thửa khi pháp luật chưa giao là chưa phù hợp; việc tỉnh thực hiện giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số đơn vị là chưa đúng. UBND các huyện chỉ đạo thực hiện việc tách, hợp thửa đất còn nhiều hạn chế; còn một số hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở hộ gia đình cá nhân thiếu văn bản thẩm định nhu cầu đất ở.
Về quản lý tài nguyên, tỉnh còn chậm phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với một số giấy phép, cho nhượng quyển khai thác khoáng sản chưa đúng.
Từ kết quả này, đoàn thanh tra yêu cầu tỉnh chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý phù hợp, có biện pháp khắc phục tồn tại.
Tại buổi công bố, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với kết luận của đoàn thanh tra. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các sở ngành, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời kết luận của đoàn.
Đại diện Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận của đoàn; có văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ trước ngày 30/4/2024.
Ninh Thuận: Phát động các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ ĐDSH biển và hải đảo
Tham dự lễ phát động có Thiếu tướng Cao Đăng Hưng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Thiếu tướng Hà Xuân Duy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTPMT – Bộ Công an.
Về phía địa phương có đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đại tá Huỳnh Tấn Hạnh, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận; đại diện chính quyền, Công an huyện Ninh Hải cùng đông đảo người dân địa phương.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Cầm cho biết, trong những năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, đã đạt được các kết quả quan trọng, như: chất lượng môi trường không khí xung quanh của tỉnh tiếp tục duy trì ở mức tốt; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở đô thị và nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 99,7%; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,25%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt 98,5%; số xã tổ chức thu gom rác thải đạt 96%; 100% cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế đều tổ thu gom, phân loại, lưu chứa, chuyển giao xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế nguy hại đúng quy định; không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%…
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ công an) cho biết, Lễ phát động hôm nay là cơ hội để mọi người cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái, góp phần cùng với cả nước đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân, nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Sau Lễ phát động, đã tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường tại một số điểm rừng thuộc diện tích Vườn Quốc gia Núi Chúa; thu gom rác thải dọc bờ biển xã Vĩnh Hải,…
Dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng thiết bị bảo vệ môi trường cho Vườn Quốc gia Núi Chúa và 50 suất quà cho gia đình nghèo, học sinh nghèo vượt khó.
BTV
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị