GDP ngành Xây dựng năm 2023 ước đạt 7,3 – 7,5%
GDP ngành Xây dựng năm 2023 ước đạt 7,3 – 7,5%
Ngày 22/12, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Sinh, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ Xây dựng, kết hợp trực tuyến, kết nối với các Sở Xây dựng địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2023, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động để triển khai với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 83 nhiệm vụ cụ thể. Trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Xây dựng đề ra tại Chương trình hành động, Bộ đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng năm 2023 ước đạt 7,3 – 7,5%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung khoảng 96%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước là 26m2 sàn/người. Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật luôn được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm qua, Bộ đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 ngày 27/11/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 ngày 28/11/2023 với nhiều nội dung đổi mới.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, dự kiến trình Quốc hội XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.
Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Bộ cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hang, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng đã khẩn trương ban hành Nghị quyết chỉ đạo và Kế hoạch tổ chức thực hiện; Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch ngành quốc gia như: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một nội dung quan trọng khác được Bộ Xây dựng hoàn thành tốt trong năm 2023 là tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.
Bộ đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kết quả tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Xây dựng đạt 50%, vượt chỉ tiêu chung của Chính phủ là 10%.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5 – 7%
Hướng đến năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5 – 7%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 43,7%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt trên 97%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt trên 26,5m2 sàn/người.
Trong năm tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, trọng tâm là hoàn thành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn và các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu Luật Quản lý đô thị và các văn bản pháp luật hướng dẫn, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030; các Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến 2030.
Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn và có ý kiến với các địa phương về nội dung quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc và định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Chính sách quản lý không gian ngầm đô thị, chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quản lý phát triển đô thị; Tiếp tục triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2016 – 2025…
Về quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Một số nhiệm vụ trọng tâm khác của Bộ Xây dựng trong năm 2024 có thể kể đến như: Tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hành chính, Kế hoạch chuyển đổi số và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan Bộ; Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 – 2025; Hoàn thành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị