2,5 triệu hộ nông dân Hòa Bình tiếp cận phương thức kinh doanh mới
Những ngày cuối tháng 9, dù chưa vào vụ thu hoạch, nhưng những người trồng cam tại Cao Phong đang rất sốt ruột về việc tiêu thụ cam những ngày tới khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp.
Năm 2021, huyện Cao Phong có gần 2.000 ha cam, trong đó, hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng cam Cao Phong dự kiến đạt gần 20 nghìn tấn.
Để chủ động tiêu thụ cam Cao Phong theo hình thức mới, giúp nông dân đảm bảo giá trị nông sản, phát triển kinh tế ngay trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ tháng 8/2021 Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương để lên kế hoạch chi tiết đưa cam Cao phong lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng bà con nông dân Cao Phong để tiêu thụ nhanh nhất với mức giá tốt nhất cho cả người bán và người mua. Việc đưa những trái cam Cao Phong có chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử Postmart không đơn thuần chỉ là hỗ trợ người dân tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn mà còn nâng cao vị thế của loại trái cây quen thuộc này.
Đặt mục tiêu tiêu thụ 3.000 tấn cam Cao Phong qua sàn TMĐT Postmart.vn, hiện Bưu điện tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn toàn bộ quy trình đưa sản phẩm lên bán trên sàn TMĐT. Sau buổi tập huấn đã có gần 50 nhà cung cấp tại huyện Cao Phong mở gian hàng và đưa gần 60 sản phẩm lên sàn Postmart.vn.
Trước Hòa Bình, hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành phố khác cũng đã rất thành thạo để đưa các sản phẩm của gia đình lên bán trên sàn TMĐT Postmart.
Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch 1034 về hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã lập tức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương để giúp người dân trên toàn quốc thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận phương thức kinh doanh mới – qua sàn thương mại điện tử.
Người nông dân chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối với intertnet thì bất cứ lúc nào cũng có thể bán hàng. Hộ sản xuất nông nghiệp càng tiếp cận sớm với cách bán hàng mới trên môi trường số thì việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ càng nhanh hơn.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu