Đừng để thành quả chống dịch bị đổ bể vì “vui” mà ra đường

Sau 4 lần thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống làn sóng thứ 4 đại dịch Covid-19, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình. Các “điểm nóng” về dịch bệnh được khống chế, số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (từ 49,15% xuống 10,6%), số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng…

Dựa trên tình hình thực tế, qua tham vấn ý kiến các chuyên gia, ngày 20/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 22 về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, có hiệu lực từ 6h ngày 21/9.

Đừng để thành quả chống dịch bị đổ bể vì
Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân sẽ khiến công tác phòng, chống dịch của chính quyền Thành phố gặp khó khăn. (Ảnh: Người dân đổ ra đường tại các tuyến phố trung tâm Thủ đô đón Trung thu đêm 21/9 – Nguồn: KTĐT)

Điều cần nhấn mạnh, Chỉ thị số 22 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố bên cạnh việc cho phép nới lỏng các hoạt động xã hội như không áp dụng quy định giấy đi đường, nhưng vẫn nêu rất chi tiết về việc các cơ quan, công sở, doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 50% cán bộ, nhân viên đi làm, còn lại làm online (đến cơ quan làm luân phiên). Đồng thời, các đơn vị nếu họp chỉ được phép tối đa không có quá 20 người, khu vực công cộng không quá 10 người.

Cạnh đó, Thành phố cũng khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, nghiêm túc thực hiện giãn cách theo nguyên tắc 5K. Nói một cách ngắn gọn, từ thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến thời điểm 6h ngày 21/9, Thành phố áp dụng linh hoạt theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng. Xin nhấn mạnh, nới lỏng một số hoạt động chứ không phải đã trở về trạng thái bình thường mới.

Quy định chi tiết và cụ thể là như vậy, nhưng tiếc thay nhiều người dân ý thức phòng, chống dịch vẫn còn rất kém. Điển hình nhất, trong chiều và tối 21/9 (Rằm Trung thu) trên một số tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm, người dân đã “đổ” ra đường quá đông, nhìn những hình ảnh tối Trung thu không ai nghĩ chúng ta đang sống trong thời điểm đại dịch.

Sau khi tiến hành tiêm chủng và xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên quy mô toàn Thành phố, xét trên tình hình thực tế, Thành phố đã quyết định không thực hiện giãn cách xã hội mà cho phép nới lỏng các hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng dịch là ưu tiên số một. Tiếc thay, khi thực hiện nới lỏng xã hội thì một bộ phận người dân đang rất chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch.

Để có được thành quả chống dịch như hiện tại ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, sự điều hành khoa học, năng động, quyết liệt và linh hoạt của Ủy ban nhân dân Thành phố, còn là công sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu gồm đội ngũ y bác sĩ, công an, các cấp chính quyền phường, xã, tổ dân phố… họ đã không quản hiểm nguy, gian khó ngày đêm “miệt mài” chống dịch để bảo vệ an toàn cho Thủ đô và sức khỏe của nhân dân.

“Giành được thành quả đã khó, giữ được thành quả còn khó hơn nhiều”. Muốn giữ được thành quả trong phòng, chống dịch, muốn cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới không còn cách nào khác mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trước cộng đồng!

Đừng để kết quả phòng chống dịch của Thành phố bị ảnh hưởng nếu mỗi người dân còn thiếu ý thức đổ ra đường như tối Trung thu!

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích