UNICEF: Báo động tình trạng khủng hoảng nước sạch tại Gaza

UNICEF: Báo động tình trạng khủng hoảng nước sạch tại Gaza

Mới đây, giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về tình hình khan hiếm nước tại Dải Gaza.

Theo giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russell nhấn mạnh việc tiếp cận đủ nước sạch là vấn đề sống còn đối với trẻ em tại Gaza. Các gia đình tại đây đang phải sử dụng nước từ các nguồn không an toàn với độ mặn cao hoặc ô nhiễm. Việc thiếu nước sạch sẽ đẩy nhiều trẻ em vào cảnh bệnh tật và đối mặt với nguy cơ tử vong trong những ngày tới.

Để chạy trốn khỏi xung đột, hơn 1,4 triệu người tại Gaza đã chuyển đến hoặc ở gần các cơ sở tạm trú của Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA).

Tuy nhiên, UNICEF nhận định những trẻ em phải di tản tại thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza chỉ có 1,5-2l nước/ngày với hệ thống dịch vụ cấp nước đang trên bờ vực sụp đổ, trong khi lượng nước để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho cá nhân mỗi ngày là 3l.

Theo UNICEF, không chỉ thiếu nước uống, hàng trăm nghìn người di tản, trong đó trẻ em chiếm 50%, đang cần thực phẩm, nhà ở, thuốc men và được bảo vệ. Ít nhất 50% hạ tầng cấp nước và dịch vụ vệ sinh cơ bản đã bị hư hại hoặc phá hủy tại Gaza.

Ít nhất 50% cơ sở WASH – cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh cơ bản – đã bị hư hại hoặc phá hủy ở Gaza. UNICEF cảnh báo tác động của tình trạng này đối với trẻ em là đặc biệt đáng lo ngại vì dễ mắc phải các bệnh như tiêu chảy và suy dinh dưỡng hơn.

“Các nhà chức trách đã ghi nhận số ca tiêu chảy cao gần gấp 20 lần mức trung bình hàng tháng ở trẻ em dưới 5 tuổi, bên cạnh sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ghẻ, chấy rận, thủy đậu, phát ban trên da và hơn 160.000 trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính” – UNICEF thông tin.

tm-img-alt
Người Palestine xếp hàng lấy nước tại một trung tâm do Liên Hợp Quốc điều hành ở Khan Younis (Dải Gaza). Nguồn: AFP

Kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7/10, UNICEF và các đối tác đã cung cấp nhiên liệu để vận hành các nhà máy khử mặn, giếng nước, vận chuyển nước, quản lý chất thải, cũng như cung cấp container và nước đóng chai cho hơn 1,3 triệu người tại Gaza.

UNICEF đã nêu bật tầm quan trọng của các máy phát điện trong việc vận hành các cơ sở cấp nước và vệ sinh, cũng như các ống nhựa để sửa chữa đường ống bị vỡ. Tuy nhiên, giao tranh cũng như việc hạn chế tiếp cận nhiên liệu đang cản trở việc đưa các vật dụng thiết yếu này vào Gaza.

Theo UNICEF, trong bối cảnh hiện nay, người dân Gaza đang rất cần đến máy phát điện để vận hành các công trình cấp nước và vệ sinh, cùng với ống nhựa để sửa chữa hệ thống ống nước bị hỏng. Tuy nhiên, việc đưa những thiết bị này vào Gaza đang gặp rất nhiều khó khăn.

Các bác sĩ và nhân viên cứu trợ đã cảnh báo về sự lây lan của dịch bệnh, kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch ném bom vào Gaza sau các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ngày 29/11 đến ngày 10/12, số ca mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza đã tăng 66% lên 59.895 trường hợp và tăng 55% đối với phần còn lại của dân số.

Tuần trước, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) dẫn các số liệu từ WHO cho thấy các trường hợp viêm màng não, thủy đậu, vàng da và nhiễm trùng đường hô hấp trên đã được ghi nhận ở Gaza. Tuy nhiên, cơ quan y tế Liên hợp quốc cảnh báo rằng các số liệu có thể không cung cấp bức tranh đầy đủ vì thiếu thông tin về hệ thống y tế trong khi các dịch vụ khác ở Gaza gần như sụp đổ.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích