Cần kiểm tra, xử lý trạm bê tông Nghĩa Bình gây ô nhiễm môi trường tại huyện Yên Dũng
Cần kiểm tra, xử lý trạm bê tông Nghĩa Bình gây ô nhiễm môi trường tại huyện Yên Dũng
Người dân bức xúc vì trạm bê tông Nghĩa Bình hoạt động gần khu dân cư, gây ra bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng đường xá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tồn tại từ rất nhiều năm, nằm cạnh bến phà Đồng Việt, thôn Bến, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc giang, bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm bê tông Nghĩa Bình hoạt động khiến rất nhiều hộ dân vô cùng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm do đơn vị này gây ra.
Theo người dân ở đây, hằng ngày, các xe bồn chở xi măng hoạt động gây hư hỏng đường giao thông, bụi mù mịt, chất thải từ các bồn chứa bê tông sau khi đi bán, sẽ được rửa và đổ ra bể chứa không đảm bảo tiêu chuẩn, ao nước. Qua thời gian dài, cặn thải xi măng chất thành từng lớp dày trên mặt đất.
Ngày 9/10, PV có mặt trực tiếp tại trạm bê tông trên địa bàn thôn Bến, xã Đồng Việt, ghi nhận đơn vị này vẫn đang hoạt động. Bên ngoài có đề biển Công ty Cổ phần Bến Thủy – Trạm bê tông Nghĩa Bình, trong khuôn viên có 6 chiếc xe bồn chứa bê tông cùng nhiều xe khác, ngoài ra tại cầu cảng chiếc máy ngoạm đang khẩn trương bốc cát lên xe tải để vận chuyển lên.
Bên cạnh đó, xung quanh khu vực này trên mặt đất là các lớp vật chất màu trắng xám, người dân tại đây khẳng định đó là cặn xi măng mà đơn vị kia đã xả thải ra. Có điểm, thứ vật chất này được đổ tại khu vực ao nước, nơi có nguồn nước mặt nằm sát khu dân cư và ao cá của người dân.
Bức xúc vì bị ảnh hưởng đến cuộc sống, bà N.T.H (người dân thôn Bến, xã Đồng Việt) trao đổi với phóng viên cho biết: “Cái đường hỏng hết rồi các cháu ạ, cái lượng bê tông nó đi thì nó chở đầy, vương vãi, khô nó cuộn lên bụi lắm…”. Được biết mỗi lần trạm trộn đổ bê tông khô vào bồn, khi ấy gió cuốn xi măng, đất cát bay tỏa ra khắp mọi nơi. Đặc biệt là các hộ dân sống lân cận “nguồn ô nhiễm”, nhà nhà đều phải đóng kín cửa, tránh bụi bay vào nhà.
Người dân cũng cho biết, không chỉ là ồn ào, khói bụi mà nguồn nước cũng bị ảnh hưởng, các xe bồn khi về trạm đều được rửa, xi măng và các chất phụ gia được đổ ra khu vực bể chứa của trạm, theo quan sát thì rất sơ sài. Cũng theo ông N.Q.T cho biết:”…nước của các xe bồn nó đi đổ về, lấy nước giếng khoan, nước ngầm đấy lên chứ không phải bơm nước sông vào, dội lên bồn để rửa, cái mặt bằng đó họ san lấp chưa hết, trong khu đó còn khoảng 4 cái thùng, cái ao to, thậm chí đến giờ cá cũng không sống được…”
Được biết, trạm bê tông Nghĩa Bình thuộc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nghĩa Bình, do ông Lê Văn Chín làm đại diện pháp luật, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 5/1/1996.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Đương, Chủ tịch UBND xã Đồng Việt cho biết, doanh nghiệp này có đầy đủ các giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận các hồ sơ về công tác bảo vệ môi trường thì ông Đương giới thiệu PV liên hệ với phía công ty, các cán bộ ở UBND cũng mới về nên không nắm được.
Ngày 11/10, trao đổi với PV, ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng cho biết, việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt rồi, việc cấp phép môi trường thì mới thẩm định, chưa được cấp phép môi trường, về đất thì công ty đã mua đất chuyển quyền sử dụng đất về tên công ty nhưng về chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn ở giai đoạn 1.
Khi làm việc với PV, ông Lê Văn Chín, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nghĩa Bình chỉ cung cấp được các giấy tờ về giấy phép xây dựng. Còn về giấy phép bên thủy nội địa thì vị Giám đốc trao đổi hiện khu vực này chưa ai có. Bê tông thải san lấp thì cũng san lấp trong khu vực của trạm. Tuy nhiên, PV trao đổi về quy định xử lý chất thải như vậy là không đúng quy định thì vị giám đốc cũng thừa nhận.
Hoạt động trạm bê tông không có đầy đủ giấy phép có thể gây ra nhiều hệ lụy từ ô nhiễm môi trường và tác động xấu tới đất và nguồn nước. Những tác động này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cư dân địa phương và dẫn đến các vấn đề về hô hấp, dị ứng và bệnh da. Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong khu vực, gây thiệt hại về môi trường sống và các loài động, thực vật.
Trước việc, trạm bê tông Nghĩa Bình hoạt động khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng cần sớm có biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm những tồn tại ở trạm trộn bê tông trên. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông địa phương cần tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm về giao thông, môi trường đối với đoàn xe bồn bê tông Nghĩa Bình và các xe chở vật liệu xây dựng, (nếu có). Để công tác bảo vệ môi trường nơi đây luôn xanh – sạch – đẹp, người dân ổn định cuộc sống.
Theo một số tài liệu khoa học, bụi xi măng sinh ra trong quá trình sản xuất có kích thước hạt bụi rất nhỏ (nhỏ hơn 3µm) lơ lửng trong khí thải, khi hít vào phổi rất dễ gây bệnh về đường hô hấp, Đặc biệt khi hàm lượng SiO2 tự do lớn hơn 2% có khả năng gây bệnh silicon phổi, một bệnh được coi là bệnh nghề nghiệp nguy hiểm và là phổ biến nhất của công nghiệp sản xuất xi măng.
Đồng thời bụi xi măng theo gió phát tán ra xa sẽ lắng xuống mặt nước, mặt đất làm suy thoái đất trồng, ô nhiễm nguồn nước gây hại lớn cho sinh vật.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị