Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 21/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Đêm mai 22/12 là cao điểm rét đậm rét hại ở miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; ven biển Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 7. Trên đất liền có gió Đông Bắc mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 4, giật cấp 6-7.
Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 8-11 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 13-16 độ.
Trên biển ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12; Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to; riêng khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ ngày 23/12 đến 24/12 có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đêm nay 21/12 nhiệt độ sẽ bắt đầu giảm và nhiệt độ thấp nhất sẽ khoảng đêm mai 22/12. Khu vực Đồng bằng ở ngưỡng xấp xỉ 10 độ. Người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho bản thân gia đình. Nhớ lưu ý giữ ấm vùng đầu, bụng và bàn chân. Có kế hoạch bảo vệ đàn gia súc, gia cầm,che chắn giữ ấm chuồng trại. Người dân ở các vùng có tác động mưa, gió chú ý đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ, đường biển. Nghe thời tiết để biết tác động ở khu vực mình sinh sống.
Hà Nội: Nông dân căng mình chống rét cho cây trồng, vật nuôi
Chỉ còn gần 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hộ nông dân đang tập trung chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng cung cấp thực phẩm ra thị trường. Những ngày gần đây, thời tiết chuyển rét đậm, để không xảy ra thiệt hại về kinh tế, các hộ chăn nuôi đã chủ động chống đói, rét cho gia súc, gia cầm.
Hộ anh Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) đang nuôi khoảng 10.000 con gà thương phẩm chuẩn bị xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán chia sẻ: “Mặc dù chuồng trại đã được xây dựng với quy mô bài bản, khép kín, song những ngày nhiệt độ giảm xuống dưới 15 độ C, gia đình đã tiến hành thắp điện sưởi ấm cho đàn gia cầm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hà, ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), vụ Đông năm nay, gia đình trồng 5 sào rau, với các giống chủ yếu là cải chíp, cải ngồng, mồng tơi… Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 30 – 50 ngày (tùy thời tiết và tùy loại rau). Khi thời tiết chuyển rét đậm, ban đêm có sương muối, để không ảnh hưởng năng suất cây rau, đặc biệt là những diện tích rau mới gieo trồng, nông dân dùng biện pháp che phủ nilon, rắc tro bếp để giữ ấm cho gốc rau.
Nhận định về tình hình thời tiết ảnh hưởng cây trồng, vật nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, vụ Đông 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.000ha cây rau màu, tổng đàn lợn 1,48 triệu con, 28.900 con trâu, 129.600 con bò và hơn 41,9 triệu con gia cầm.
Hiện, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn nhỏ lẻ khi số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 60% tổng đàn. Ở các xã miền núi, một bộ phận không nhỏ hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa quan tâm thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc như: chuồng trại không che chắn hoặc che chắn không bảo đảm, chưa chủ động dự trữ thức ăn. Ngoài ra, nhiều diện tích rau mới xuống giống, nông dân chưa kịp che phủ nilon ảnh hưởng bởi sương muối cũng có thể gây thiệt hại về kinh tế.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ thống quản lý chất thải
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết: Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 60.000 tấn/ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10-16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.
Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt, công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mêtan-một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Trước những khó khăn thách thức này, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải cần được tăng cường áp dụng.
Theo TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải là phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.
Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hoá quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, biến chất thải thành năng lượng.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiệu quả, ông Trần Đình Long – Viện trưởng Viện môi trường và nông nghiệp ECO kiến nghị các Bộ ngành có liên quan rà soát tổng hợp đánh giá các công nghệ điển hình đang hoạt để tìm ra những công nghệ phù hợp nhất, với những tiêu chí đánh giá cụ thể như tái chế được nhiều tài nguyên nhất, phát thải ít nhất, chi phí vận hành và chi phí đầu tư thấp nhất.
Cùng quan điểm trên, TS Lê Công Lương đề xuất cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô lớn. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
Phụ nữ thành phố Yên Bái chung tay bảo vệ môi trường
Mô hình “Điểm thu gom phế liệu tái chế”, “Điểm thu gom phân loại rác thải” hay “Ngôi nhà xanh” được các cấp hội phụ nữ thành phố Yên Bái triển khai từ năm 2020. Các điểm thu gom được thiết kế bằng khung thép chắc chắn và được đặt tại những nơi thuận tiện cho người dân đến bỏ phế liệu. Đây là một trong những hoạt động cụ thể trong phong trào bảo vệ môi trường đã và đang có sức lan toả mạnh mẽ trong hội viên phụ nữ ở các xã, phường địa bàn thành phố.
Với mục đích thu gom, phân loại phế liệu tái chế, rác thải sinh hoạt, hạn chế tình trạng vứt bỏ rác thải nhựa bừa bãi, các phong trào này không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường “xanh – sạch – đẹp” mà số tiền quyên góp được từ việc bán phế liệu còn đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Bà Trần Thị Hào – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 8, phường Yên Thịnh chia sẻ: “Tôi thấy việc triển khai thu gom rác thải do Chi hội phụ nữ phát động rất thiết thực, được chị em hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình. Việc làm này góp phần giữ cho môi trường sống, nhà cửa luôn sạch sẽ, an toàn, không bị ô nhiễm. Tới đây, chúng tôi tiếp tục thu gom rác thải, phân loại rác thải tại nguồn đúng theo hướng dẫn”.
Xác định bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác Hội, thời gian qua, Hội LHPN thành phố không chỉ đẩy mạnh các phong trào, hoạt động góp phần làm cho thành phố sạch hơn mà còn còn xây dựng được nhiều tuyến đường hoa, tạo nên những con phố đa sắc màu, vừa làm đẹp cho thành phố vừa nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống.
Đặc biệt, các cấp hội đã lồng ghép hiệu quả việc giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình ” 5 không, 3 sạch”; duy trì hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” quét dọn đường làng, ngõ xóm, khu phố, khơi thông dòng chảy. Hội cũng đã triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn” và phong trào “Chống rác thải nhựa” tới 15/15 hội phụ nữ tại các xã, phường trên địa bàn, tạo sức lan toả và thu hút đông đảo chị em tham gia hưởng ứng.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ở tổ 2, phường Đồng Tâm cho biết: “Từ khi Hội phụ nữ phường triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom rải thải tái chế” chung tay bảo vệ môi trường, mỗi ngày, tôi đều chủ động phân loại rác của gia đình theo từng loại khác nhau gồm: rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và rác thải không tái chế.
Theo đó, tất cả các loại vỏ chai, lon bia, dụng cụ bằng nhựa không sử dụng, tôi đều đem đến điểm thu gom rác theo quy định hoặc được sử dụng để trồng các loại cây, hoa trang trí cho khuôn viên nhà văn hoá. Việc làm này không chỉ giúp tôi và các chị em phụ nữ khác hình thành thói quen phân loại rác thải đúng cách mà qua đó phần nào giúp đỡ được các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong Chi hội vơi bớt khó khăn”.
Trên địa bàn thành phố hiện có 31 “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế; 9 bể thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực do các cấp hội phụ phụ nữ triển khai thực hiện. Cùng với đó, các hội viên cũng đã phát động phong trào tái chế lốp xe trồng hoa, cây cảnh, trang trí đường làng, ngõ xóm; hỗ trợ 145 hộ gia đình đạt tiêu chí “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thành lập mới 25/25 tổ tự quản tại các xã, phường với 282 thành viên.
Qua triển khai các phong trào, Hội LHPN thành phố đã có 3 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2018- 2023 được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Bà Dương Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN thành phố Yên Bái cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở về Luật Bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; duy trì hiệu quả hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, huy động chị em phụ nữ tích cực tham gia vệ sinh môi trường; phát huy vai trò tự quản của phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em duy trì hiệu quả phong trào “5 không, 3 sạch”, phong trào “Toàn dân đoàn kết thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn”…, góp phần nâng cao = ý thức, trách nhiệm của chị em hội viên phụ nữ nói riêng và người dân nói chung trong việc chung tay bảo vệ môi trường”.
Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp hội phụ nữ thành phố đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Các hoạt động không những góp phần giữ gìn môi trường sống mà còn từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng thành phố Yên Bái ngày càng sạch đẹp, văn minh.
Thành phố Hòa Bình: Nhiều bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt
Thực tế, mặc dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm và còn nhiều bất cập.
Thành phố Hòa Bình phải vận chuyển rác thải với khoảng cách trên 80km về Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy để xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Trên địa bàn TP Hòa Bình, trung bình hàng ngày phát sinh khoảng 80 – 85 tấn RTSH. Việc thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn thành phố được giao cho Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình thực hiện. Thời gian gần đây, toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày được vận chuyển về xử lý bằng phương pháp đốt tại Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), cách TP Hòa Bình trên 80 km.
Đại diện Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình cho biết, công tác thu gom, xử lý RTSH trên địa bàn TP Hòa Bình gặp nhiều vấn đề, như chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất nên chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Chưa có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong công tác thu gom, xử lý rác. Việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Do vậy, các hộ dân, hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, thải bỏ không đúng cách và bỏ rác nhiều lần vào tất cả các giờ trong ngày theo thói quen sinh hoạt. Thậm chí, một số đối tượng đã có hành vi đổ trộm, tập kết rác thải cồng kềnh, rác thải xây dựng bừa bãi… gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông. Những vi phạm về vứt rác thải bừa bãi không được nhắc nhở, xử phạt nghiêm.
Ông Nguyễn Văn Bốn ở phường Trung Minh phàn nàn: Đa số dân cư trong phường nằm dọc quốc lộ 6 với chiều dài hơn 3 km, do không có thùng chứa rác công cộng nên nhiều năm qua, trên địa bàn phường hình thành các điểm tập kết rác tự phát gây mất mỹ quan đường phố.
Bà Lưu Thu Hằng, tổ 6, phường Quỳnh Lâm cho rằng, chính quyền và các ngành chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Phải có quy định rõ ràng về việc phân loại rác thải; đầu tư hệ thống hạ tầng đầy đủ để phân loại được rác ở nơi công cộng cũng như tại hộ gia đình, đồng thời có các loại phương tiện để vận chuyển những loại rác khác nhau; việc tính phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện KT-XH, phù hợp với luật giá theo hướng tính đúng, tính đủ, nguyên tắc người phát thải phải chi trả từ khi phát thải đến khâu xử lý cuối cùng; đưa việc bảo đảm vệ sinh môi trường, xử phạt vào tiêu chí thi đua hàng năm của các tổ dân phố, phường, xã, huyện; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc xử phạt; đa dạng hóa thiết bị giám sát hình ảnh, thông tin tiếp nhận hình ảnh vi phạm…
Từ thực tế trên cho thấy, những bất cập trong việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ khó khăn trong thu gom, xử lý mà còn gây lãng phí, vì không chỉ rác thải hữu cơ và rác thải rắn đều không được tận dụng để tái chế. Bởi vậy, giải bài toán thu gom, phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn TP Hòa Bình có thể coi là vấn đề cấp bách hiện nay.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững thì không chỉ nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, mà cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để việc thu gom, xử lý chất thải đạt hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội.
Hàn Quốc: Giá rét -22 độ C trong đợt sóng lạnh từ Bắc Cực
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết nhiệt độ trung bình đã giảm xuống còn -24,7 độ C ở huyện Cheorwon, giáp biên giới Triều Tiên, -20,6 độ C ở quận Hwacheon gần đó và -18,4 độ C ở đèo Daegwallyeong. Với nhiệt độ trung bình ở Seoul dao động trong khoảng từ -22 độ C đến -14 độ C, sáng 21/12 là sáng buốt giá nhất mà người dân tại thủ đô Hàn Quốc trải qua trong mùa Đông năm nay.
Tính đến 5h sáng (giờ địa phương), các thành phố lớn khác tại Hàn Quốc đều ghi nhận nhiệt độ không khí xuống dưới điểm đóng băng của nước (0 độ C). Cụ thể là -12,8 độ C ở Incheon (cách thủ đô Seoul 27km về phía Tây), -11,9 độ C ở trung tâm thành phố Daejeon, -6,7 độ C ở Gwangju và -6,5 độ C ở Busan.
Từ 8 giờ sáng 21/12 (giờ địa phương), tuyết rơi dày với mật độ 1 – 5cm/giờ đã ảnh hưởng đến khu vực đảo phía Nam Jeju, tỉnh Nam Jeolla và bờ biển phía Tây của tỉnh Nam Chungcheong. Theo KMA, tuyết sẽ tiếp tục rơi dày trong cả ngày 21/12 tại các khu vực nói trên và kéo dài sang ngày 22/122 tại đảo Jeju. Một số khu vực thuộc vùng núi tại đây sẽ có lượng tuyết tích tụ tới hơn 60cm.
KMA đã ban bố cảnh báo rét đậm trên khắp Seoul, Kyunggi, Gangwon và một số khu vực của tỉnh Chungcheong kể từ 9h tối 20/12 (giờ địa phương). Bộ Nội vụ nước này cũng đã nâng cảnh báo tuyết rơi dày lên mức cao thứ 3 trong hệ thống cảnh báo gồm 4 cấp.
Mỹ: Phân bổ 600 triệu USD khắc phục ô nhiễm môi trường ở các cộng đồng thiểu số
Khoản tài trợ trên là một phần trong gói ngân sách trị giá 3 tỷ USD, được phân bổ theo Đạo luật Giảm lạm phát nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường mà các cộng đồng thiểu số và thu nhập thấp đang phải đối mặt.
Khoản ngân sách này được kỳ vọng sẽ tài trợ cho hàng nghìn dự án đảm bảo công bằng trong lĩnh vực môi trường.
Các khoản tài trợ dự kiến bắt đầu mở đăng ký và triển khai vào mùa Hè năm 2024. Tổng cộng có 11 tổ chức khu vực sẽ cùng quản lý các khoản tài trợ trên.
Trước đó, ngày 19/12, Phó Tổng thống Kamala Harris đã cho biết khoản ngân sách trên sẽ được quản lý thông qua các nhà tài trợ khu vực, thay vì Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn thành các dự án và tạo điều kiện tiếp cận cho các tổ chức cộng đồng nhỏ hơn.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị