Cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất tại các Khu, Cụm công nghiệp
Cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất tại các Khu, Cụm công nghiệp
Vấn đề mở rộng quỹ đất dành cho KCN nhận được nhiều ý kiến Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng thẩm định Quy hoạchsử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025).
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu quan trọng vào ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực chưa sát với thực tiễn…; bố trí đất cho các khu công nghiệp (KCN) nhiều nơi chưa hợp lý…
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021-2025).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch cho rằng, về cơ bản Dự thảo đã đáp ứng 2 mục tiêu lớn: Xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn (nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp…), từ đó tạo ra quỹ đất để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Tuy nhiên cần lưu ý việc quy hoạch đất phục vụ phát triển các vùng, khu vực ven biển. Thực tế thời gian qua, khu vực ven biển đã trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng quỹ đất dành cho KCN cũng nhận được nhiều ý kiến. Theo Dự thảo, đến năm 2030 có khoảng 205,80 nghìn ha đất dành cho KCN, tăng 115 nghìn ha so với năm 2020. “Việc phát triển này có dẫn đến quy hoạch treo hay tạo sức ép cho môi trường?”- Phó Thủ tướng nêu câu hỏi.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết: Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng sử dụng đất và môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không để dự án treo, quy hoạch treo, bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; không phát triển KCN, khu chế xuất khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định.
Dự kiến từ tháng 10/2021, Chính phủ sẽ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị