Thực trạng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người; đó cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, QCVN là văn bản pháp quy kỹ thuật, bắt buộc áp dụng, là công cụ quản lý nhà nước và là chuẩn mực kỹ thuật để xem xét, thẩm định, phê duyệt cũng như nghiệm thu và khai thác sử dụng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. QCVN còn là cơ sở để soát xét, biên soạn, công bố tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng của Việt Nam, cũng như cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.
Theo Bộ Xây dựng, căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, ban hành các QCVN về xây dựng. Kể từ khi bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam lần đầu được ban hành năm 1996-1997 (gồm 3 tập), tính đến tháng 6/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành 16 QCVN. Các QCVN này đã bao trùm lên các hoạt động xây dựng từ công tác lập quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công, quản lý dự án và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
Trong 16 QCVN nêu trên có QCVN thuộc loại Quy chuẩn kỹ thuật chung như QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; QCVN 02:2022/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng;… có QCVN thuộc loại quy chuẩn kỹ thuật an toàn như QCVN 06:2022/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 18:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng; có QCVN là quy chuẩn kỹ thuật cho quá trình như QCVN 16:2019 – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; có QCVN quy chuẩn cho một đối tượng cụ thể như QCVN 04:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; QCVN 17:2018/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời; QCVN 08:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình tàu điện ngầm…
Trong 16 QCVN này, hầu hết QCVN đã hơn một lần được soát xét, đặc biệt một số QCVN đã được soát xét đến lần 2. Điều này cho thấy hệ thống QCVN về xây dựng hiện đã dần đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn xây dựng và yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; vật liệu xây dựng.
Ảnh minh hoạ
Đối với lĩnh vực xây dựng, việc tuân thủ các QCVN mang lại nhiệu lợi ích. Thứ nhất là giảm chi phí xây dựng do việc tuân theo các quy chuẩn xây dựng có khả năng giảm chi phí dự án. Việc tuân thủ quy định không chỉ giúp giảm chi phí mà còn bảo đảm yêu cầu an toàn của công trình trước các biến đổi khí hậu trong hiện tại và tương lai.
Hai là giảm chi phí năng lượng. Việc tuân thủ các quy chuẩn xây dựng không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý sau khi đưa ra công trình vào khai thác vận hành đồng thời làm giảm chi phí dài hạn cho người sử dụng.
Ba là đảm bảo yêu cầu về môi trường. Do năng lượng tiêu thụ trong xây dựng là rất lớn, việc thực thi các quy chuẩn trong xây dựng trở thành phương pháp làm giảm chi phí, tăng năng suất, giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Bốn là, hạn chế các rủi ro khi tuân thủ quy chuẩn xây dựng. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn xây dựng sẽ hạn chế những vấn đề bất cập trong quá trình xây dựng như bị kéo dài thời gian khi cấp phép xây dựng (do bị trả lại hồ sơ không tuân thủ QCVN); bị đình chỉ xây dựng do vi phạm những quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, mối quan hệ với các công trình lân cận… Đây là những vấn đề dễ gặp phải và điều này hoàn toàn có thể tránh được nếu tuân thủ quy chuẩn xây dựng.
Việc tuân thủ QCVN còn giúp đảm bảo an toàn cho công trình trong suốt thời gian vận hành, khai thác sử dụng. Bằng cách tuân thủ quy chuẩn quốc gia có thể giảm nguy cơ mất an toàn công trình trong suốt thời gian tuổi thọ của công trình trước nguy cơ có nhiều bất lợi nhất như động đất, thiên tai, cháy nổ…
Theo đánh giá của Ths. Trần Thị Thanh Ý, tại Việt Nam, mặc dù hệ thống QCVN về xây dựng trong thời gian dài đã đóng góp vai trò to lớn trong hoạt động xây dựng, tuy nhiên, hệ thống QCVN về xây dựng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên mặc dù QCVN là văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng nhưng các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng. Điều này làm giảm đi tính hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và ảnh hưởng đến chất lượng công trình, cũng như làm giảm đi cơ hội cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn, sâu hơn.
Cụ thể, một số QCVN có nội dung trùng lặp, ví dụ nội dung về hạ tầng kỹ thuật đô thị trong QCVN 01:2021/BXD và QCVN 07:21016/BXD. Một số quy chuẩn còn trùng lặp về phạm vi và đối tượng điều chỉnh do có sự giao thoa về quản lý nhà nước giữa các Bộ chuyên ngành. Ví dụ: QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng của Bộ Xây dựng có nhiều nội dung liên quan đến Quy chuẩn về an toàn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; QCVN về Rạp chiếu phim (là loại hình công trình công cộng) lại do Bộ VHTT&DL ban hành…
Do sản phẩm xây dựng có đặc thù riêng biệt khác với sản phẩm hàng hóa cụ thể, có liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau nhưng hiện nay còn thiếu liên kết giữa các bộ chuyên ngành, chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các văn bản. Ví dụ như Bộ Y tế ban hành QCVN 22/2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chiếu sáng; Bộ Xây dựng ban hành QCVN 12:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện cho nhà ở và công trình công cộng. Cả hai QCVN này đều quy định độ rọi nơi làm việc. Điều này sẽ tạo ra khó khăn cho nhà đầu tư và cả những nhà thầu không biết phải tuân thủ quy chuẩn nào.
Một số nội dung quy định trong QCVN chưa thực sự phù hợp thực tiễn Việt Nam. Hiện nay, có nhiều QCVN được biên soạn dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới, ví dụ QCVN 06:2022/BXD là dựa trên hệ thống NFPA của Mỹ và CHиП 2.01.02-85 của Liên Bang Nga; QCVN 09:2005/BXD dựa trên Quy chuẩn quốc tế IBC, tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASHRAE-Handbook 1993: Fundamentals; Code of Practice “Overall Thermal Transfer Value in buildings. HongKong, 1995; Code on Envelope Thermal Performance for Buildings. Singapore,2008; QCVN 03:2022/BXD dựa trên EN 1990…
Trong khi QCVN phải tính đến các điều kiện tự nhiên và phù hợp với công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của quốc gia đó. Mặt khác, quy chuẩn được xây dựng dựa theo quy chuẩn của một nước nhưng trong thực tế công trình lại được đầu tư bằng vốn và áp dụng quy chuẩn của nước khác. Ví dụ QCVN 08:2018/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình tàu điện ngầm được biên soạn dựa theo tiêu chuẩn của Nga, nhưng dự án xây dựng tàu điện ngầm lại của nhà đầu tư Nhật Bản hoặc một quốc gia khác. Điều này làm giảm tính hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với khu vực, thế giới và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Việt Nam trên thương trường quốc tế, khu vực.
Một số nội dung trong QCVN được quy định quá chi tiết, quá cụ thể, bao gồm cả công thức tính toán, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế, chỉ thích hợp với một số công nghệ xây dựng nhất định, trong khi các giải pháp công nghệ khác có thể giải quyết đảm bảo tốt chỉ tiêu trong giới hạn an toàn cho phép. Việc QCVN đưa ra những quy định cụ thể mang tính giải pháp sẽ làm hạn chế sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới và là rào cản kỹ thuật trong quá trình hội nhập. Trường hợp QCVN 06 trải qua 4 lần rà soát bổ sung là một ví dụ. Hiện QCVN 06:2022/BXD lại đang được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tiếp tục, bổ sung sửa đổi.
Bảo Lâm