Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại
Chính thức phê duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương tầm nhìn đến năm 2050
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, quy mô 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; thống nhất, đồng bộ các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Cụ thể, mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tỉnh Hải Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỉ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582 nghìn tỷ đồng.
Về mục tiêu xã hội: Quy mô dân số đạt khoảng 2,55 triệu người với dân số tăng bình quân khoảng 2,9%/năm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%. Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia phấn đấu các cấp mầm non đạt trên 90%; tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt trên 95%; trung học phổ thông đạt trên 90%.
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Hải Dương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa
Hải Dương phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội; dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường; xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.
Công nghiệp tỉnh Hải Dương sẽ phát triển theo 3 vùng: vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện: Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang và tại thành phố Hải Dương; vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang và vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.
Ngoài ngành công nghiệp hiện đại hóa, tỉnh Hải Dương cũng xác định ngành dịch vụ là một trong hai trụ cột kinh tế chính của tỉnh. Mục tiêu trở thành tỉnh có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần mở rộng chuỗi giá trị sản xuất cùng vùng. Đến năm 2030 phát triển 8 trung tâm logistics ở thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang.
Về du lịch, Hải Dương sẽ phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch tâm linh văn hóa và du lịch sinh thái, đẩy mạnh hình thành liên kết với các điểm du lịch khác để hình thành cung đường du lịch tâm linh văn hóa hay du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.
Trong đó, Hải Dương sẽ có du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh ở phía bắc tỉnh; du lịch sinh thái gắn với đặc sản phẩm đặc thù ở khu vực Thanh Hà và du lịch golf (định hướng tới năm 2030 Hải Dương có thêm khoảng 10 sân golf.
Việc quy hoạch tỉnh được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng với Hải Dương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, các ngành. Từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu