Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 20/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Không khí lạnh tăng cường từ đêm 20/12
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi bản tin không khí lạnh tăng cường, rét và dự báo thời tiết 10 ngày tới, từ đêm nay 20/12 đến ngày 30/12.
Theo đó, chiều 20/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.
Dự báo, trên đất liền, đêm 20/12 đến ngày 21/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục tăng cường xuống phía Nam. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 4-5.
Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ C.
Trên biển,vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Hà Giang: 93% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh
Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt, đưa nước sạch về vùng nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu, thường xuyên bị thiếu nước. Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%, tăng 1,2% so với năm 2022.
Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (Chương trình) do Ngân hàng Thế giới tài trợ là một trong những chương trình nước sạch mang lại hiệu quả rõ nét nhất. Được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, đến nay, Chương trình đã đầu tư xây dựng 45 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hoàn thành trên 11.310 đấu nối đến các hộ dân. Riêng trong năm 2023, Chương trình thực hiện nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Khuôn Lùng và Nà Chì (Xín Mần); lập hồ sơ quyết toán 5 công trình cấp nước sinh hoạt tại các huyện Quang Bình, Quản Bạ, Vị Xuyên; rà soát, phân loại các công trình cấp nước sinh hoạt có nhu cầu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng để có phương án sửa chữa, quản lý, khai thác hiệu quả.
Cùng với Chương trình, tỉnh lồng ghép các nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt từ các chương trình, dự án khác như: 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình 135, 30a, nguồn vốn tài trợ, hợp tác quốc tế, nguồn vốn ODA, huy động xã hội hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 877 công trình cấp nước nông thôn, trong đó, 753 công trình cấp nước nông thôn tập trung, 124 công trình hồ chứa nước sinh hoạt.
Tại huyện Vị Xuyên, một trong những địa phương có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh cao của tỉnh, đạt 98,5%, huyện phối hợp với các ngành đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển KT – XH; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước sau đầu tư; chú trọng sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có. Chị Thượng Thị Nhất, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mịch A, Mịch B, xã Thuận Hòa đã hơn 2 năm, nước qua xử lý của hệ thống máy lọc đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, được đấu nối trụ vòi đến tận hộ dân nên rất thuận lợi và yên tâm để sử dụng”.
Năm 2024, với mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,8%, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình nước sạch thuộc Chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình Mở rộng quy mô Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới; bố trí nguồn vốn thanh toán các công trình đã hoàn thành; thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tà Vải, Bản Tùy, Đoàn Kết xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang); hỗ trợ phát triển các mô hình thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn (tại các xã Hữu Sản, Việt Hồng (Bắc Quang) và xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); thực hiện hạng mục cấp nước sạch, trữ nước ngọt tại các vùng khó khăn về nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, bảo dưỡng, mở rộng, nâng cấp công nghệ xử lý nước tại các công trình cấp nước tập trung đã có; tăng cường quản lý, vận hành công trình sau đầu tư đảm bảo hoạt động bền vững; cập nhật bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch.
Số người chết trong động đất tại Trung Quốc tăng lên 131
Tính tới sáng 20/12, trận động đất mạnh 6,2 độ Richter tại khu vực miền núi phía tây bắc Trung Quốc đã khiến tổng cộng 131 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương và ở trong tình trạng vô gia cư tại hai tỉnh Cam Túc và Thanh Hải.
Trước đó vào đêm 18/12, trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra tại tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc với tâm chấn nằm ở độ sâu 10km tại quận Jishishan của tỉnh này, cách ranh giới với tỉnh Thanh Hải khoảng 5km.
Rung lắc được cảm nhận ở hầu hết khu vực xung quanh, bao gồm Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, cách tâm chấn khoảng 100 km về phía đông bắc. Các quan chức còn ghi nhận 9 cơn dư chấn có cường độ từ 3,0 độ richter trở lên sau trận động đất, với dư chấn lớn nhất có cường độ 4,1 độ Richter.
Tính tới sáng ngày 20/12, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin có 113 người được xác nhận thiệt mạng và 536 người khác bị thương tại tỉnh Cam Túc trong khi con số này là 18 người thiệt mạng cùng 198 người bị thương ở tỉnh Thanh Hải.
Ngoài thiệt hại về người, trận động đất cũng khiến hơn 155.000 ngôi nhà, đường sá và cơ sở hạ tầng hư hại cũng như làm đứt đường dây điện và làm gián đoạn thông tin liên lạc tại các tỉnh này. Các con số thương vong trên khiến trận động đất này trở thành trận động đất gây hậu quả nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc kể từ trận động đất tháng 8/2014 khiến 617 người thiệt mạng ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.
Nhận định về nguyên nhân con số thương vong cao, hãng tin AP dẫn lời ông Li Haibing, chuyên gia tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết một phần tới từ tâm chấn nông của trận động đất. Ông nhận định tâm chấn nông đã gây ra rung chuyển và sức tàn phá lớn hơn dù cường độ của trận động đất không lớn.
Các yếu tố khác cũng góp phần gây ra con số thương vong cao là chuyển động chủ yếu theo phương thẳng đứng của trận động đất gây ra rung chuyển dữ dội hơn, chất lượng thấp của các tòa nhà tại một số khu vực và đặc biệt là việc động đất xảy ra vào lúc nửa đêm khi hầu hết mọi người đều ở nhà.
Báo động tình trạng khai thác vàng khiến các loài chim bị nhiễm thủy ngân
Theo hãng tin Reuters, một nghiên cứu mới cho thấy các loài chim nhiệt đới, từ chim bói cá đến chim chích, đang có dấu hiệu nhiễm thủy ngân do hoạt động khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ tiến sâu vào rừng rậm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những con chim sống trong phạm vi 7km xung quanh mỏ khai thác vàng có hàm lượng thủy ngân cao gấp 4 lần so với những con chim cư trú tại các địa điểm khác trên khắp vùng nhiệt đới của Trung và Nam Mỹ.
Chủ nhiệm nghiên cứu, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học California Los Angeles, ông Chris Sayers nhấn mạnh đây là lời cảnh tỉnh đối với công tác bảo tồn chim ở vùng nhiệt đới.
Ông cho biết sự đa dạng sinh học của các loài chim nhiệt đới đang suy giảm trong nhiều thập kỷ gần đây, nhưng các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Ông Sayers cho rằng thủy ngân có thể là giữ một vai trò nào đó.
Để có được kết luận trên, trong 17 năm qua, hàng chục nhà khoa học đã thu thập hàng nghìn mẫu lông, máu và mô từ 322 loài chim tại 9 nước ở Trung và Nam Mỹ cũng như Tây Ấn, tạo ra cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tình trạng nhiễm thủy ngân ở chim.
Nghiên cứu bổ sung thêm hiểu biết về việc thủy ngân mà các thợ mỏ sử dụng để tách kim loại quý ra khỏi trầm tích tác động đến động vật hoang dã ở vùng nhiệt đới.
Khai thác vàng thủ công thường được thực hiện bất hợp pháp trong các khu bảo tồn, hoặc được thực hiện không chính thức bên ngoài khu bảo tồn mà không có sự cho phép rõ ràng của nhà chức trách.
Đầu năm nay, Reuters lần đầu tiên đưa tin các nhà khoa học đã phát hiện một số động vật có vú, trong đó có khỉ titi và mèo gấm, có dấu hiệu nhiễm thủy ngân gần điểm nóng khai thác vàng ở Peru.
Việc hấp thụ hoặc tiêu thụ nước và thực phẩm nhiễm thủy ngân được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh, bệnh về miễn dịch và suy giảm khả năng sinh sản ở người và một số loài chim.
Trong số các điểm nóng về ô nhiễm thủy ngân có Madre de Dios, Peru và Ayapel, Colombia – trung tâm khai thác vàng thủ công.
Các loài chim ở Belize, Trung Mỹ cũng có hàm lượng thủy ngân cao. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do khí thủy ngân phát thải từ quá trình đốt rác ở bãi rác địa phương, hoặc đốt than ở khu vực xung quanh.
Còn tại trạm sinh học Los Amigos nằm trong khu vực rừng nhiệt đới Amazon thuộc vùng Madre de Dios, Đông Nam Peru, đây cũng là vùng có hơn 46.000 người thợ tham gia hoạt động khai thác vàng quy mô nhỏ hoặc thủ công
Từ năm 2018 đến nay, các nhà khoa học Mỹ và Peru đã thu thập các mẫu của hơn 2.600 động vật thuộc ít nhất 260 loài quanh Trạm.
Trong số 330 mẫu xét nghiệm linh trưởng, gần như tất cả đều chứa thủy ngân, một số trường hợp nhiễm thủy ngân nặng.
Năm 2022, một nghiên cứu khác tại khu vực này cũng cho thấy những con chim thuộc bộ biết hót quanh Los Amigos nhiễm thủy ngân ở mức cao gấp 12 lần so với những con sống xa khu khai thác vàng.
Bác sỹ thú y thuộc Tổ chức Liên minh Vườn thú San Diego (San Diego Zoo Wildlife Alliance) Caroline Moore cho biết nếu chịu ảnh hưởng bởi mật độ thủy ngân cao trong thời gian dài, động vật sẽ mất khả năng sinh sản, hoặc con sinh ra sẽ không thể phát triển.
Phần lớn các trường hợp khai thác vàng quy mô nhỏ hoặc thủ công tại rừng Amazon là bất hợp pháp. Thậm chí, những trường hợp được cấp phép, lại ít được giám sát và sử dụng thủy ngân để tách vàng từ trầm tích.
Con người đã sử dụng thủy ngân từ hàng nghìn năm nay. Nó đã xuất hiện trong các ghi chép lịch sử ở khắp mọi nơi, từ Ai Cập đến Trung Quốc.
Ngày nay, hóa chất này có mặt trong vô số sản phẩm gia dụng, bao gồm một số loại pin, nhiệt kế, bóng đèn và mỹ phẩm.
Than đốt, kể cả để lấy năng lượng, cũng là một nguồn thủy ngân. Nồng độ thủy ngân trong khí quyển đã tăng lên khoảng 450% so với mức tự nhiên.
Hóa chất này cũng thường được sử dụng trong khai thác vàng quy mô nhỏ, một ngành sử dụng tới 20 triệu lao động trên toàn cầu, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em./.
Khởi động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp SolarX trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Nối tiếp thành công của cuộc thi tại Châu Phi, SolarX tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ trở thành một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến năng lượng mặt trời. Đồng thời, cuộc thi hướng đến việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các mô hình doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô, theo đó góp phần tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và lấp đầy khoảng cách giữa nhu cầu năng lượng và vốn đầu tư.
Sáng kiến đột phá này hướng đến việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các mô hình doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô, theo đó góp phần tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và lấp đầy khoảng cách giữa nhu cầu năng lượng và vốn đầu tư. Tiến sĩ Ajay Mathur, Tổng Giám đốc của ISA, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến này như một phần trong chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy việc phát triển năng lượng mặt trời.
Chia sẻ về mức độ cần thiết của dự án này, Tiến sĩ Mathur, Tổng Giám đốc của ISA cho biết: ” Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp SolarX thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc tăng tốc triển khai năng lượng mặt trời tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi nhận thức rất rõ về các thách thức đặc biệt trong việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại các nền kinh tế đang có nhu cầu liên quan đến năng lượng tái tạo. ISA tập trung giải quyết thách thức này từ cả hai phía.
Chúng tôi hợp tác với chính phủ của các quốc gia để hoạch định chính sách hỗ trợ, đồng thời thông qua SolarX, thu hút đầu tư để kích cầu tại những thị trường chưa có nhu cầu. Dựa trên nền tảng thành công của cuộc thi SolarX tại Châu Phi, chương trình ‘Solar for She’, khởi động cùng lúc với SolarX, hướng tới mục tiêu khuyến khích thêm nhiều công ty khởi nghiệp được dẫn dắt bởi các nữ lãnh đạo. Tôi hy vọng rằng những doanh nhân khởi nghiệp này sẽ đạt được những thành tựu nhất định để đối trọng với tầm ảnh hướng và sự đổi mới sáng tạo của Amazon và Google.”
Cuộc thi SolarX sẽ chọn ra 20 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi doanh nghiệp nhận được một khoản tài trợ tiền mặt trị giá 15,000 USD, nâng tổng trị giá trị tài trợ của chương trình lên đến 300,000 USD. Sáng kiến này, đại diện cho sự cam kết về tính ưu tú và vượt trội, hướng đến việc xây dựng nền tảng mang tính cách mạng cho sự thành công, đổi mới và mạng lưới kết nối chiến lược cho các doanh nhân.
Các nhà khởi nghiệp giành chiến thắng từ cuộc thi sẽ tham gia một chương trình tăng tốc chuyên sâu và được các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn. Bên cạnh đó, những người chiến thắng từ cuộc thị SolarX sẽ được tạo điều kiện để kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng và được tiếp cận đa dạng các thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, từ đó hỗ trợ quá trình thâm nhập và mở rộng thị phần cho doanh nghiệp.
Liên Minh Năng Lượng Mặt Trời Quốc Tế (ISA) là một tổ chức quốc tế với 118 quốc gia thành viên và các quốc gia tham gia ký kết. Hiện ISA đang tiến hành làm việc với chính phủ các nước để tạo điều kiện cho việc triển khai năng lượng mặt trời và thúc đẩy năng lượng mặt trời như bước chuyển tiếp bền vững, nhằm hướng đến một tương lai không carbon. Sứ mệnh của ISA tập trung vào việc mở ra các cơ hội đầu tư vào năng lượng mặt trời, đồng thời góp phần cắt giảm chi phí đầu tư công nghệ và gánh nặng tài chính.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị