Thị trường thép cuối năm: Nhiều tín hiệu tích cực
(Xây dựng) – Với các giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, ngành Thép Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực trong mùa xây dựng cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thị trường này vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Động lực tăng trưởng chính của nhu cầu thép Việt Nam năm 2024 phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản trong nước và sự cải thiện của các thị trường xuất khẩu lớn (Ảnh: T/L). |
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022.
Tính riêng 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 9,137 triệu tấn thép, tăng 30,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,95 tỷ USD, ngang mức cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu của thép Việt chủ yếu là khu vực ASEAN (31,46%), EU (24,12%), Mỹ (9,13%), Ấn Độ (8,03%) và Đài Loan (3,44%)
Bên cạnh đó, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 đạt khoảng 10,61 triệu tấn với trị giá hơn 8,491 tỷ USD, tăng 8,61% về lượng nhưng giảm 17,56% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Có thể thấy, kinh tế Việt Nam có những điểm sáng tích cực trong 11 tháng năm 2023 như tăng trưởng được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đại diện một đại lý thép ở khu vực quận Hoàng Mai cho biết, trong tháng 11/2023 đã có 2 lần điều chỉnh giá do giá phôi thép và nguyên vật liệu đều tăng, khiến giá thành sản phẩm tăng theo, hiện chưa có dấu hiệu dừng. Nếu giá tăng như vậy, bản thân các đại lý cần phải xem xét nhu cầu, bởi vì nhập hàng liên tục mà lượng bán ra không nhiều sẽ khó còn vốn kinh doanh.
Các chuyên gia kỳ vọng, thị trường thép sẽ phục hồi tốt hơn với động lực chủ yếu đến từ việc giá thép bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục và đầu tư công được đẩy mạnh cũng là động lực lớn giúp cải thiện nhu cầu thép trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho rằng, các động lực tăng trưởng chính của nhu cầu thép Việt Nam năm 2024 phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản trong nước và sự cải thiện của các thị trường xuất khẩu lớn. Khi nút thắt áp lực tài chính được cởi bỏ, lãi suất được giảm bớt, các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi trở lại.
Ngoài ra, giá thép thanh trong nước hiện tại đã thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên việc giảm giá là không nhiều. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc.
Nhiều nhận định cho thấy, theo chu kỳ vào thời điểm cuối năm, những dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình xây dựng để nghiệm thu, hoàn thiện năm tài khóa và doanh nghiệp bất động sản cũng phải bàn giao sản phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán nên đây sẽ là thời điểm thị trường có mức tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thép đang phải đương đầu với tình hình có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược phù hợp, sát với tình hình thực tế.
Nguồn: Báo xây dựng