Quy định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước:Chế tài mạnh từ yêu cầu thực tiễn
Quy định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được cho là chế tài mạnh, giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các công trình vi phạm. Đây là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn nhằm bảo đảm tính khả thi, nghiêm minh trong xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình, lĩnh vực xảy ra vi phạm.
Đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư trên địa bàn phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm |
Khó khăn trong xử lý vi phạm
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Đây là quy định không mới khi đã được đưa vào Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) năm 2020 nhưng chưa được Quốc hội thông qua, bởi quan điểm quy định sẽ tác động không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Trước đó, trong giai đoạn từ ngày 4-1-2008 đến 15-1-2018, thực tiễn đã có quy định “Áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm” đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định số 180/2008/NĐ-CP. Quy định này có tác động rất lớn đến đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, mục đích và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, Nghị định này hiện đã hết hiệu lực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho rằng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong xử lý công trình xây dựng vi phạm là do quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước khi chưa có quyết định cưỡng chế.
Từ thực tế khó khăn trong xử lý cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế chấp hành quyết định xử lý vi phạm còn gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý đối với các cơ sở không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ có nhiều khó khăn bởi chưa có biện pháp đủ mạnh và phù hợp.
Bảo đảm tính khả thi
Theo báo cáo giải trình quy định trong hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đủ mạnh (cắt điện, cắt nước) sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm hành chính, từ đó giúp thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố đã kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng bổ sung quy định về chế tài xử lý cưỡng chế đủ sức răn đe để bảo đảm hiệu lực, tính khả thi đối với các công trình vi phạm đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà cũng là quy định được các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng quan tâm, kiến nghị giải pháp nhằm xử lý triệt để vi phạm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, UBND thành phố đã nhiều lần yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát việc cung cấp điện, nước đối với nhóm công trình vi phạm, xây dựng không phép, trái phép, từ đó ngừng hoặc giảm cung cấp điện, nước đối với các trường hợp không đủ điều kiện hoặc sử dụng điện không an toàn, sử dụng điện sai mục đích…
Nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Bùi Quốc Phòng cho rằng, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là cần thiết, song việc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước phải tuân thủ các nguyên tắc: Chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm; chỉ để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết: Quy định như trong Dự thảo Luật cần được ủng hộ Tại Điểm b Khoản 2 Điều 34 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Cá nhân tôi tán thành quy định này. Trước đây, khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều ý kiến đề nghị áp dụng biện pháp này, song lại có đại biểu cho rằng quy định như vậy ảnh hưởng đến quyền con người. Tuy nhiên, cần phân định rõ việc ngừng cung cấp điện, nước nhằm không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép hoặc để doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất xả thải ra môi trường, chứ không phải ngừng cung cấp điện, nước cho hộ gia đình người đó sử dụng. Vì thế, quy định như trong Dự thảo Luật cần được ủng hộ. Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Cần có giải pháp kỹ thuật đi kèm Cơ sở pháp lý trong việc xem xét, xử lý công trình vi phạm hiện đang thiếu đồng bộ, nhất là trong xử phạt vi phạm hoạt động xây dựng hạ tầng. Qua bài học kinh nghiệm trong xử lý vừa qua cho thấy, không chỉ tăng cường tuyên truyền mà phải quyết liệt xử phạt thì mới phát huy hiệu quả. Nếu các công trình không thực hiện theo quyết định xử phạt thì phải cưỡng chế và cưỡng bức để thực hiện. Hà Nội hiện nay là thành phố đông dân, diện mạo đô thị phát triển rất nhanh chóng. Đặc biệt ở những khu nhà liền kề rất dễ xảy ra vi phạm phòng cháy, chữa cháy. Cho nên việc ngừng cung cấp điện nước với những hộ dân vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị xử phạt vi phạm hành chính cho thấy quyết tâm trong ngăn chặn, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp kỹ thuật để bảo đảm cho việc cắt điện, cắt nước chỉ ảnh hưởng tới phạm vi công trình vi phạm chứ không ảnh hưởng đến các nhà lân cận. Ông Trần Thế Đính, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 7, khu nhà ở Tổng cục 5, Bộ Công an: Biện pháp mạnh và cần thiết để ngăn chặn vi phạm Điện và nước luôn là hai yếu tố vô cùng quan trọng, bảo đảm đời sống sinh hoạt cho mỗi hộ dân. Tuy nhiên, với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì việc ngừng cung cấp điện, nước sẽ là biện pháp mạnh và cần thiết để ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm. Trên thực tế tại tổ dân phố, các gia đình chậm nộp tiền điện, nước đến tháng thứ 3, dù đã được nhắc nhở nhiều lần vẫn cố tình không nộp cũng sẽ bị tạm ngừng cấp điện, nước. Khi đó các cán bộ tại cơ sở phải kết hợp chặt chẽ với cơ quan cung cấp điện, nước để xử lý riêng với các gia đình vi phạm. Với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, vai trò của các cán bộ cơ sở tại tổ dân phố rất quan trọng để giám sát, phát hiện từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, trong thực tế các công trình vi phạm thường hay bịt kín, đề phòng bụi vật liệu xây dựng bắn ra bên ngoài nên các cán bộ cơ sở thường khó vào kiểm tra. Bảo Hân ghi |
Nguồn: Báo xây dựng