Tối ưu năng lượng cho bất động sản công nghiệp
(Xây dựng) – Bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là “điểm sáng” trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh quy hoạch khu công nghiệp sinh thái, sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải carbon trong toàn hệ sinh thái vận hành hoặc đạt các cam kết về môi trường.
“Bài toán” năng lượng của bất động sản công nghiệp
Các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực xây dựng, bất động sản từ lâu là nguyên nhân phát thải của gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và chiếm khoảng 36% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với một số lĩnh vực khác. Theo xu hướng phát triển bất động sản xanh của thế giới, các nhà đầu tư dự án bất động sản công nghiệp đã chú trọng “xanh hóa” để bắt kịp nhu cầu thị trường.
Bất động sản công nghiệp xanh không chỉ mang lại tiềm năng sinh lời và tích lũy tài chính an toàn mà còn hướng tới giá trị sống bền vững, lợi ích về cả thể chất lẫn cảm xúc. Đây là những yếu tố tạo nên sức cạnh tranh cho dòng sản phẩm này trên thị trường.
Theo dự báo, nhu cầu về bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững từ nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngoài tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, các nhà đầu tư còn quan tâm đến yếu tố để kiến tạo công trình bền vững như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thụ nước nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon trong toàn hệ sinh thái vận hành hoặc đạt các cam kết về môi trường.
Do đó, tối ưu năng lượng được đánh giá là một trong những yêu cầu cấp thiết và tất yếu đối với bất động sản công nghiệp. Điều này không chỉ có lợi ích với môi trường và còn có giá trị kinh tế, giảm chi phí năng lượng sẽ giúp tiết giảm chi phí sản xuất – vận hành, hạn chế được các rủi ro đến từ việc tăng giá năng lượng và thiếu điện.
Đặc biệt, trong bối cảnh thuế carbon đã được Ủy ban Châu Âu (EC) thông qua vào 10/5/2023 về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 và vận hành toàn bộ vào năm 2034, thì thuế carbon sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Theo đó, thuế này sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan tới giảm phát thải buộc doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào các thị trường khác phải tuân theo và sẽ đánh thuế carbon trong trường hợp nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định.
Do đó nếu thúc đẩy các ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong bất động sản công nghiệp nhằm tối ưu hóa năng lượng, giảm dấu chân carbon, sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của các bất động sản công nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận qua đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Giải pháp cách nhiệt, tối ưu năng lượng từ ISOVER®
Tại hội thảo “Xu hướng thiết kế bất động sản công nghiệp – Đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế” đồng tổ chức bởi ISOVER®- thương hiệu giải pháp bền vững về cách âm và cách nhiệt thuộc Saint-Gobain Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cát Tường, các chuyên gia đã đưa ra các cập nhật về xu hướng mới của thị trường bất động sản công nghiệp cũng như các yêu cầu về thiết kế công trình từ phía các chủ đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đưa ra những giải pháp cách nhiệt tối ưu năng lượng cho công trình công nghiệp nhằm giúp các đơn vị trong nước sẵn sàng năng lực để đáp ứng các tiêu chí khắt khe từ công năng đến yếu tố bền vững trong công trình từ các đối tác quốc tế.
Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận của hội thảo “Xu hướng thiết kế bất động sản công nghiệp đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế”. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Anh – Giám đốc Kỹ thuật Toàn quốc Saint-Gobain Việt Nam đã chia sẻ các “Giải pháp cách nhiệt tối ưu năng lượng cho các công trình công nghiệp” từ ISOVER® hướng đến các giải pháp xây dựng đạt hiệu suất cao và bền vững để “hoá giải” trăn trở của các chủ đầu tư khi các công trình xây dựng chiếm đến 36% tổng tiêu thụ năng lượng.
Ông Nguyễn Hải Anh – Giám đốc kỹ thuật toàn quốc Saint-Gobain Việt Nam chia sẻ giải pháp cách nhiệt tối ưu năng lượng cho các công trình công nghiệp. |
Theo đó, sản phẩm Bông khoáng đá ROCKINSUL ISOVER® dành cho hệ phủ tường với cấu tạo 2 lớp tấm thạch cao Vĩnh Tường-Gyproc, một lớp bông khoáng đá ROCKINSUL ISOVER® sẽ giúp công trình đạt hiệu quả cách âm, cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng tối đa. Cùng với đó, hệ thống ống gió HVAC CLIMAVER 360 tối ưu chi phí năng lượng nhờ vào khả năng kín khí vượt trội của ống, bên cạnh các ưu điểm tiêu âm, cách nhiệt, nhẹ và dễ thi công, qua đó giảm thất thoát năng lượng, tiết kiệm chi phí nhiệt năng.
Đặc biệt, hệ mái cách nhiệt bao gồm các lớp mái tole, bông khoáng đá ROCKINSUL ISOVER®, tấm DURAflex, màng chống thấm TPO mang đến hiệu quả cách nhiệt, chống thấm, chịu tải tốt trong thời tiết khắc nghiệt.
Hệ sản phẩm mái cách nhiệt từ thương hiệu ISOVER tại hội thảo “Xu hướng thiết kế bất động sản công nghiệp đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế” thu hút nhiều người ghé thăm. |
Ông Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh, một công trình cách nhiệt hiệu quả có thể gián tiếp thông qua các giải pháp kể trên làm tăng 11% năng suất làm việc cho người sử dụng công trình, giảm thất thoát nhiệt năng qua đó tối ưu hóa chi chí năng lượng trực tiếp của công trình.
Nói về khía cạnh tối ưu chi phí đầu tư, ông Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh, các giải pháp ISOVER® hỗ trợ đắc lực cho chủ đầu tư trong việc giúp công trình đạt các yêu cầu theo các luật định về tối ưu sử dụng năng lượng và mang đến giá trị trải nghiệm khác biệt cho công trình nhờ vào tính tiện nghi, an toàn cho người sử dụng.
Theo Chương trình tài trợ Biến đổi Khí hậu khu vực châu Á của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Với việc xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, công trình xanh còn cung cấp môi trường sống và làm việc tốt cho người sử dụng. Nhờ đó, giá bán và giá cho thuê của công trình xanh đều có xu hướng cao hơn công trình bình thường. Vì vậy, công trình xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.
Nguồn: Báo xây dựng