Quy hoạch vùng Tây Nguyên: Kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quy hoạch vùng Tây Nguyên phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên ‘thức giấc’ với giá trị mới.
Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Chiều 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ một quy hoạch vùng cần giải quyết bài toán về quản lý, điều phối, kết nối vùng; xử lý xung đột phát triển giữa các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, những sản phẩm có tính chiến lược, đặc trưng của vùng, quốc gia; kết nối nội vùng và liên vùng.
“Do đó, quy hoạch vùng Tây Nguyên phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên ‘thức giấc’ với giá trị mới, theo kịp vùng khác; đồng thời gìn giữ, bảo tồn những tài sản vô giá, trường tồn,” Phó Thủ tướng gợi mở.
Yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch vùng Tây Nguyên cần tiếp cận bài bản, tổng thể, toàn diện và hiểu biết sâu sắc những giá trị độc đáo, “giàu tiềm năng song dễ tổn thương.”
Bên cạnh đó, ưu tiên khoanh định những giá trị độc đáo của khí hậu, thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, nguồn nước, văn hóa… để bảo tồn, giữ gìn và hình thành giá trị tài nguyên vô giá, trở thành nguồn lực phát triển độc đáo, nâng cao đời sống của người dân nhưng không “phát triển nóng.”
Quy hoạch không gian phát triển, đô thị, nông thôn giữ được bản sắc, hài hòa với địa hình, cảnh quan, làm định hướng cho hạ tầng kết nối giao thông theo hệ sinh thái, chuỗi giá trị, hành lang kinh tế trong nội vùng và liên vùng.
“Mọi tuyến đường phải giảm tối đa tác động tới thiên nhiên,” Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi về một số ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, Phó Thủ tướng gợi mở nông nghiệp cần thay đổi theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sử dụng ít nước, gia tăng giá trị thông qua chế biến, hình thành sản phẩm quốc gia; khuyến khích năng lượng tái tạo kết hợp thủy điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp, thị trường tín chỉ carbon…
Các dự án, chương trình ưu tiên trong Quy hoạch phải có tiêu chí rõ ràng, mang tính đột phá, tập trung vào các sản phẩm của vùng, mang tính chất định hình Tây Nguyên trong tương lai phục hồi, có nền Kinh tế Xanh, phát triển bền vững; bảo tồn môi trường, sinh thái và bản sắc văn hóa; ổn định về an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, Tây Nguyên cần cơ chế, chính sách riêng để tạo chuyển biến căn bản trong quản lý đất đai, nguồn nước, giáo dục, y tế, thúc đẩy hạ tầng số phục vụ Chuyển đổi Xanh, Chuyển đổi Số.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo báo cáo tại phiên họp, Tây Nguyên là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn; nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Đây cũng là vùng có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đầu nguồn sinh thủy của các con sông lớn, diện tích rừng lớn. Tài nguyên du lịch đa dạng gắn với thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.
Một số vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong Quy hoạch vùng Tây Nguyên là hoàn thiện hạ tầng kết nối trong và ngoài vùng; cơ chế quản lý khai thác tài nguyên, phối hợp liên ngành; mô hình và phương án tổ chức không gian phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện phúc lợi xã hội…
Quy hoạch lựa chọn kịch bản tốc độ tăng trưởng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 trung bình 7,5%/năm, thu nhập bình quân khoảng 130 triệu đồng/người/năm. Tây Nguyên phát triển dựa trên Kinh tế Xanh; bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc; điểm đến du lịch đặc sắc; nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, hữu cơ với một số sản phẩm có thương hiệu quốc tế gắn với trung tâm chế biến; ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy điện, năng lượng tái tạo.
Cơ bản hình thành hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng; nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh nguồn nước. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Nguồn lực phân bổ cho vùng Tây Nguyên ưu tiên cho các hành lang kinh tế liên tỉnh; khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tỉnh; khu bảo tồn tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học; Khu Du lịch Quốc gia, có danh lam thắng cảnh quốc gia, Di sản Văn hóa Quốc gia, quốc tế; khu vực có tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo; các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, quy hoạch vùng Tây Nguyên cần xác định được động lực tăng trưởng mới nhằm thoát khỏi tình trạng của “một vùng trũng”; bảo tồn giá trị bản sắc, nâng cao chất lượng đời sống người dân; bảo vệ môi trường, nhất là nguồn sinh thủy, tài nguyên thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ. Hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn cần có điểm nhấn, nổi trội, giảm chênh lệch giữa các tiểu vùng, hệ sinh thái.
Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng, Tây Nguyên phải có đột phá về kết nối liên vùng, trực tiếp là vùng Đông Nam Bộ và tiểu vùng Duyên hải miền Trung; giải quyết hài hòa mối quan hệ đất-nước-rừng trong bảo tồn hệ sinh thái và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thu hút được nguồn nhân lực, nhất là doanh nhân, gắn với văn hóa, con người, an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế tiếp cận theo chuỗi giá trị; lấy chiến lược phát triển du lịch làm trục xuyên suốt trong bảo tồn, phát huy giá trị môi trường, hệ sinh thái, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc…
Nguồn: Báo xây dựng