Sơn La: Phê duyệt Báo cáo hiện trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
Sơn La: Phê duyệt Báo cáo hiện trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn
UBND tỉnh Sơn La vừa phê duyệt Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vùng nông thôn.
Nhiệm vụ Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý CTRSH vùng nông thôn do Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai. Dự án đã thực hiện điều tra, khảo sát thu thập thông tin tại 183 xã khu vực nông thôn trên địa bàn 11 huyện, trừ thành phố Sơn La.
Tại mỗi xã lựa chọn khu vực điều tra theo mật độ dân số (cao, trung bình, thấp), phỏng vấn trực tiếp ý kiến người dân, tìm hiểu thực tế phát sinh, thu gom, xử lý CTRSH nông thôn; từ đó, xác định những vấn đề bức xúc cần giải quyết.
Còn nhiều khó khăn
Các nguồn phát sinh CTRSH ở Sơn La chủ yếu từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở, khu vực công cộng, dịch vụ, các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Ngoài các thành phần chủ yếu là hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn…) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại…), CTRSH còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải…
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, mỗi năm, tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn trung bình khoảng trên 212.900 tấn; trong đó lượng CTR khu vực đô thị phát sinh trên 78.000 tấn; CTR khu vực nông thôn gần 135.000 tấn. Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom, xử lý đạt 92,5%; tỷ lệ CTR nông thôn được thu gom đạt 84%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã quan tâm đầu tư nguồn lực, tích cực triển khai công tác bảo vệ môi trường, thu gom chất thải, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng đáng kể qua các năm.
Bước đầu, đã hình thành một số mô hình thu gom rác thải, tạo cảnh quan nông thôn tại các xã Tân Lập, Chiềng Sơn và một số mô hình thu gom theo hình thức người dân tự trả phí cho đơn vị đứng ra thực hiện dịch vụ tại các xã Hua Phăng, Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu), góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn.
Song, công tác quản lý CTRSH còn nhiều bất cập. Do địa bàn thu gom rộng, khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi gây khó cho công tác quy hoạch khu xử lý CTR tập trung. Các khu xử lý CTR tập trung có khoảng cách xa trong khi chưa bố trí được các điểm, trạm trung chuyển rác thải gây khó khăn cho công tác thu gom.
Công tác thu hút đầu tư đối với xử lý CTRSH cũng vướng mắc do điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi; ý thức người dân về thu gom, phân loại, vận chuyển CTRSH đúng nơi quy định còn hạn chế.
CTRSH chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ tái chế còn thấp. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải khu vực nông thôn tại một số xã được thực hiện thông qua hợp đồng thuê khoán cho Chi nhánh Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị tại các huyện, các hợp tác xã hoặc các tổ đội vệ sinh môi trường. Phạm vi thu gom mới chỉ diễn ra tại các nơi có đủ điều kiện thu gom và vận chuyển rác thải về nơi tập trung (trung tâm xã, dọc đường quốc lộ giao thông thuận lợi).
Đối với khu vực nông thôn khác, CTRSH chủ yếu được xử lý bằng các phương pháp thủ công như: hố rác di động, tái sử dụng làm phân bón hoặc sử dụng lò đốt rác thải mi ni quy mô hộ gia đình. Đây là phương pháp xử lý tạm thời, chưa có tính bền vững lâu dài, không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng chưa được thu gom triệt để.
Huy động sự chung tay của cả cộng đồng
Nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH vùng nông thôn, nhóm nghiên cứu triển khai Dự án đề xuất: Công tác quản lý CTRSH phải có sự tham gia của các sở, ban ngành, sự phối hợp của tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và người dân. Trong phạm vi lĩnh vực quản lý ngành, các sở quản lý ngành phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc giảm thiểu, phân loại tại nguồn để tái chế, tái sử dụng CTRSH hiệu quả.
Với 5 nhóm giải pháp chính được đề ra, gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy cán bộ và thanh tra, kiểm tra; Nhóm giải pháp về tăng cường nguồn lực tài chính; Nhóm giải pháp về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa.
Theo đó, Sơn La cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và con người trong lĩnh vực quản lý CTRSH đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh; phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tham mưu ở cấp huyện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng tới thay đổi trong nhận thức, hành động của nhân dân. Phổ biến, tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường, nhất là các hành vi vứt, thải, bỏ CTRSH, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH không đúng quy định.
Xây dựng, triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn cho một số chợ, trung tâm thương mại, công trình công cộng ở một số huyện. Phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quản lý CTRSH. Quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới huyện, xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư trong quản lý CTR.
Tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thiết lập lộ trình thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải từ người xả thải. Quyết liệt yêu cầu huyện, xã khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới không đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa. Thu hút đầu tư các khu xử lý, nhà máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý CTR tập trung cho các huyện có điều kiện thu gom, xử lý tập trung như: Mộc Châu – Vân Hồ; Mai Sơn -Yên Châu; Phù Yên – Bắc Yên.
Nghiên cứu đề xuất, chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH hiện đại, thân thiện với môi trường theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị