Hoa Kỳ thúc đẩy hàng không thân thiện với môi trường
Hoa Kỳ thúc đẩy hàng không thân thiện với môi trường
Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa đề xuất một khuôn khổ kế hoạch tham vọng, nhằm đạt được một trong những mục tiêu khó nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Giảm phát thải trong lĩnh vực hàng không.
Theo Washington Post, đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng tới phát triển “nhiên liệu hàng không bền vững”, trong đó sử dụng sản phẩm nông nghiệp để cung cấp nhiên liệu cho động cơ phản lực máy bay. Các loại nhiên liệu này bao gồm nhiên sinh học được chế tạo từ đậu nành, dầu diesel làm từ mỡ động vật và các loại ethanol thông thường khác. Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đánh giá chương trình này hướng tới đảm bảo mục tiêu: Giảm phát thải cho ngành hàng không.
Thách thức giảm phát thải ngành hàng không
Di chuyển bằng máy bay phản lực là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất trong mục tiêu giảm phát thải hiện nay dù loại phương tiện này chỉ gây ra 2% lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ. Dù vậy, lượng khí thải đang gia tăng khi ngành du lịch phục hồi sau thời gian đại dịch COVID-19.
Không giống ô tô, máy bay phản lực cỡ lớn không thể chạy bằng pin. Lượng năng lượng khổng lồ tiêu thụ trong ngành hàng không khiến cho việc điện khí hóa chỉ có thể thực hiện được đối với những máy bay nhỏ trong chuyến đi ngắn. Vì vậy, ngành công nghiệp hàng không đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu máy bay gây ít phát thải hơn so với khi đốt trước đây. Những sản phẩm này thường được trộn với nhiên liệu của máy bay phản lực truyền thống và được quảng cáo với tên gọi “nhiên liệu hàng không bền vững”.
Theo các nghiên cứu trước đây, chất phụ gia trong xăng hiện đang là một trong những nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.
Nhằm nỗ lực giải quyết tình hình này, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một đạo luật khí hậu đặc trưng mang tên Đạo luật Giảm lạm phát. Đạo luật Giảm lạm phát bao gồm các khoản tín dụng thuế cho nhiên liệu máy bay mới, thân thiện với môi trường, hướng tới thúc đẩy sản xuất nhiên liệu máy bay thân thiện hơn với môi trường so với các nhiên liệu làm từ dầu mỏ. Theo ước tính, mỗi gallon nhiên liệu sạch sẽ được giảm thuế lên tới 1,75 USD.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang mong muốn tạo ra càng nhiều nhiên liệu có nguồn gốc từ các sản phẩm nông nghiệp càng tốt, bao gồm cả những nhiên liệu được sản xuất bằng công nghệ mới như nông nghiệp và máy móc “thông minh về khí hậu” để thu giữ và lưu trữ khí thải.
Hồi tháng 11, hãng hàng không Virgin Atlantic đã thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên hoàn toàn bằng nhiên liệu hàng không bền vững. Thông tin về chuyến bay, hãng hàng không khẳng định chuyến bay này thải ra lượng carbon ít hơn 70% so với chuyến bay chạy bằng nhiên liệu máy bay làm từ dầu mỏ thông thường.
Cơ hội từ nhiên liệu sạch?
Nhiên liệu hàng không bền vững hiện nay mới chiếm chưa đến 1% lượng nhiên liệu sử dụng cho các máy bay trên thế giới do khan hiếm nguồn cung và chi phí đắt đỏ. Hiện tại, phần lớn nhiên liệu này được làm từ các phế phẩm như mỡ động vật hoặc mỡ chiên kiểu Pháp. Một vấn đề đặt ra là những nguồn cung nguyên liệu như vậy sẽ cạn kiệt nhanh chóng khi các hãng hàng không đồng loạt chuyển sang sử dụng chúng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Bà Lauren Riley, Giám đốc phát triển bền vững của Quỹ United, được thành lập để hỗ trợ mục tiêu thúc đẩy nhiên liệu xanh đánh giá: “Nhiên liệu hàng không bền vững là giải pháp quan trọng. Nhưng thách thức hiện nay là chúng ta chưa có thị trường cho loại nhiên liệu này”.
Một số hãng hàng không của Mỹ hiện đã bắt đầu hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Trong đó, United Airlines cam kết sẽ ngừng phát thải carbon ra môi trường vào năm 2050. Đáng chú ý, hãng hàng không Mỹ cho biết họ sẽ thực hiện mục tiêu này mà không sử dụng biện pháp như bù đắp carbon, cho phép các công ty mua tín chỉ carbon để bù đắp cho khí thải carbon mà họ thải ra.
Theo đó, United Airlines, thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm nội bộ United Airlines Ventures, đã đầu tư vào một số công ty nhiên liệu bền vững, bao gồm Blue Blade Energy, công ty sản xuất nhiên liệu bền vững từ ethanol; Dimensional Energy, công ty đang nghiên cứu cách tạo ra nhiên liệu từ carbon dioxide và nước; và Fulcrum Bioenergy, công ty đang phát triển quy trình sản xuất nhiên liệu từ chất thải chôn lấp.
Nếu thành công, Mỹ sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành sản xuất nhiên liệu máy bay có hàm lượng carbon thấp quy mô lớn hơn, vừa nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu vừa có thể tối ưu hoá lợi ích từ một ngành công nghiệp mới với tiềm năng tăng trưởng lớn.
Chia sẻ về cơ hội của thị trường nhiên liệu sạch tại Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack nhận xét: “Ngành công nghiệp nhiên liệu hàng không bền vững là một ngành công nghiệp tiềm năng, có khả năng sản xuất với 36 tỷ gallon. Đây là một chương trình rất lớn”.
Bên cạnh những tác động lớn tới mục tiêu khí hậu, ông Vilsack cho biết thêm, ngành công nghiệp mới này sẽ hỗ trợ 400.000 việc làm.
Tuy nhiên, ý tưởng về chương trình giảm phát thải trong lĩnh vực hàng không hiện vẫn khiến nhiều nhóm hoạt động vì môi trường và một số chuyên gia cân nhắc. Trong đó, ông Tim Searchinger, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Princeton cho biết: “Điều đáng lo ngại là cuối cùng họ sẽ sản xuất một loại nhiên liệu đòi hỏi lượng lớn đất đai”.
Theo ông Searchinger, bên cạnh sản xuất ethanol làm từ ngô, thị trường nhiên liệu sạch có thể thúc đẩy quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học với quy mô lớn làm từ dầu thực vật. Để đáp ứng nhu cầu này, đất nông nghiệp hiện đang được sử dụng để trồng lương thực sẽ phải chuyển sang trồng các loại cây khác với mục đích sản xuất nhiên liệu. Xu hướng này có thể làm gia tăng nạn phá rừng trên khắp thế giới để tìm kiếm nguồn đất khai hoang phục vụ hoạt động sản xuất.
Về những vấn đề này, các quan chức Nhà Trắng cho biết họ đã cân nhắc một cách cẩn trọng những lo ngại của các chuyên gia. Theo đó, các cơ quan chính quyền đang trong quá trình cập nhật các mô hình khoa học để đánh giá mức độ sạch của nhiên liệu máy bay. Dữ liệu sẽ được sửa đổi, bao gồm các tính toán về tác động phát thải của đất trồng khi được chuyển đổi từ sản xuất lương thực sang sản xuất nhiên liệu. Theo kế hoạch, việc sửa đổi sẽ hoàn thiện vào ngày 1/3 năm tới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị