Thông qua Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thông qua Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vừa ban hành Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, đến năm 2030, Tiền Giang được xây dựng trở thành một tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp hợp lý; tối ưu hóa các nguồn lực, hình thành các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược; mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn.
Tiền Giang giữ vai trò là cầu nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ; công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bền vững; phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3 vùng trọng điểm phát triển là vùng kinh tế ven biển, vùng công nghiệp tập trung ở huyện Tân Phước và vùng kinh tế dọc sông Tiền. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập.
Về kinh tế – xã hội, tỉnh Tiền Giang xác định 9 vùng công năng tương ứng với những chiến lược phát triển kinh tế và không gian khác nhau; 3 tâm là trung tâm đô thị chính, trung tâm kinh tế biển Gò Công, trung tâm công nghiệp lớn ở huyện Tân Phước; 1 dải dọc sông Tiền thành một trục đô thị cấp vùng Thành phố Hồ Chí Minh gắn với các điểm đô thị du lịch và cù lao sông.
Bên cạnh đó, hình thành ba vùng kinh tế – đô thị là vùng trung tâm gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo; vùng phía Tây gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước; vùng phía Đông gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông.
7 hành lang kinh tế cấp vùng đi qua Tiền Giang sẽ được phát triển hợp lý như hành lang ven biển kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; hành lang cao tốc, Quốc lộ 1 kết nối với các tỉnh Vĩnh Long, cần Thơ, Hậu Giang, Rạch Giá; hành lang dọc sông Tiền kết nối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công và dải đô thị ven sông Tiền; hành lang kết nối với các vùng công nghiệp thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Thành phố Hồ Chí Minh; hành lang kết nối khu kinh tế ven biển các tỉnh; hành lang kết nối những vùng phát triển ngoài khơi của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hành lang kết nối với các tiểu vùng sinh thái ngập nước của Đồng Tháp Mười.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị, Tiền Giang xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; mở rộng phạm vi, ranh giới các đô thị hiện hữu chưa đảm bảo tiêu chuẩn diện tích.
Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại I là thành phố Mỹ Tho, 2 đô thị loại III (thành phố Gò Công và thành phố Cai Lậy); 8 đô thị loại IV (Mỹ Phước, Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Tân Hiệp, Vĩnh Bình, Vàm Láng), 14 đô thị loại V trong đó, có 2 đô thị xây dựng mới là Phú Thạnh và Tân Điền. Huyện Châu Thành định hướng lên thị xã.
Các đô thị trung tâm đóng vai trò động lực của vùng, tỉnh sẽ là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy, thị xã Châu Thành. Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kỉnh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện…
Đối với các khu chức năng, tỉnh Tiền Giang hướng tới phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nghiên cứu, đào tạo; khu du lịch, khu thể thao; khu bảo tồn, khu vực cần đưọc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu quốc phòng, an ninh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị