FSSC 22000 – giải pháp cho yêu cầu về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường EU
FSSC là viết tắt từ chữ food safety system certification – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Tổ chức này được lập ra để phát triển những chương trình chứng nhận thực phẩm mang tính toàn cầu.
FSSC 22000 là chương trình chứng nhận được phát triển bởi FSSC dành cho tất cả các đơn vị sản xuất và chế biến trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Chương trình chứng nhận này được GFSI (Sáng kiến An toàn Thực phẩm toàn cầu) công nhận và xem là tiêu chuẩn ngang cấp, có thể thay thế cho các tiêu chuẩn thực phẩm đã từng được GFSI công nhận trước đây như BRC, IFS, SQF.
Tiêu chuẩn FSSC được công bố lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009, tính đến thời điểm hiện tại, FSSC 22000 đã có chính thức 6 phiên bản trên 6 mốc thời gian khác nhau như: FSSC 22000 phiên bản đầu tiên được ban hành vào tháng 5 năm 2009, đưa ra các tiêu chuẩn ban đầu về chương trình chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm.
FSSC 22000 phiên bản 2 ban hành vào tháng 02 năm 2010 là bước tiến vượt bậc giúp FSSC 22000 trở thành tiêu chuẩn mang tính toàn cầu, phiên bản này được chính thức phê duyệt bởi GFSI và có giá trị thay thế cho các tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm trước đó. FSSC 22000 phiên bản 3 được công bố vào tháng 02 năm 2013, ở phiên bản này, FSSC 22000 được đánh giá lại trên tài liệu hướng dẫn phiên bản thứ 6 của GFSI.
FSSC 22000 phiên bản 4.1 được cập nhật vào tháng 07 năm 2017, FSSC 22000 ở phiên bản thứ 4 đã có những cập nhật mới để bắt kịp xu thế và phù hợp với các yêu cầu được đưa ra trong tài liệu hướng dẫn mới nhất của GFSI. Ở phiên bản này, FSSC 22000 bao gồm 3 phần: ISO 22000:2005, những chương trình tiên quyết theo từng ngành và các yêu cầu thêm vào của FSSC. Ở phiên bản 4.1 này thì FSSC 22000 cũng nâng từ 7 yêu cầu lên 9 yêu cầu, nội dung bên trong cũng có một số sự điều chỉnh được cho là thích hợp với tình hình thực phẩm hiện tại.
FSSC 22000 phiên bản 5.1 được áp dụng và thừa nhận tại thời điểm hiện tại cũng chính là phiên bản mới nhất được ban hành vào tháng 05 năm 2019. Phiên bản này bao gồm 4 phần: ISO 22000, ISO 9001, những chương trình tiên quyết theo từng ngành và các yêu cầu thêm vào của FSSC.
FSSC 22000 phiên bản 6.0 ban hành tháng 04 năm 2022 bao gồm 3 phần: ISO 22000/các thông số PRP liên quan (tiêu chuẩn ISO/TS và BSI PAS) và các Yêu cầu bổ sung của FSSC.
Đối tượng nên áp dụng FSSC 22000
FSSC 22000 thực hiện quản lý theo chuỗi thực phẩm, được áp dụng cho mọi đối tượng liên quan đễn chuỗi thực phẩm từ khâu trồng trọt chăn nuôi đến chế biến, phân phối. Chương trình chứng nhận này có thể áp dụng cho tất cả các tổ chức thực phẩm từ quy mô nhỏ đến lớn.
Trong đó (Nhóm A) Nuôi dưỡng động vật: Các trang trại có hoạt động trồng trọt và chăn nuôi với mục đích cung cấp nguồn nguyên liệu cho chuỗi thực phẩm; (Nhóm C) Sản xuất thực phẩm: Các nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ động vật, thực vật; Các nhà máy sản xuất hương liệu, gia vị, đồ uống, bánh kẹo…; (Nhóm D) Sản xuất thức ăn cho động vật: Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; (Nhóm E) Chế biến suất ăn: Các cơ sở phục vụ ăn uống, bao gồm cả các bếp ăn ngành hàng không, đường sắt và du lịch; Phòng ăn tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà trường, doanh nghiệp,…; (Nhóm FI) Bán lẻ và bán buôn: Các hệ thống, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị và cửa hàng bách hóa; (Nhóm G) Dịch vụ vận chuyển và lưu giữ: Những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, lưu trữ thực phẩm; (Nhóm I) Bao bì thực phẩm: Những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bao bì, vỏ bọc thực phẩm; (Nhóm K) Sản xuất hóa chất (Sinh học).
Lợi ích của FSSC 22000
Việc áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000 thể hiện cam kết về an toàn thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức áp dụng. Hệ thống an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn FSSC 22000 cung cấp phương pháp mang tính hệ thống để xác định và quản lý hiệu quả các rủi ro về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, FSSC 22000 được thừa nhận bởi Ủy ban Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI- Global Food Safety Initiative) và Tổ chức hợp tác Công nhận Châu Âu (EA- European cooperation for Accreditation) sẽ là tấm vé ưu tiên cho các doanh nghiệp thực phẩm khi muốn tham gia vào thị trường khó tính như châu Âu.
Trong bối cảnh xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm để có mức tăng trưởng theo kỳ vọng của ban lãnh đạo công ty thì một trong các yếu tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh chính là việc áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm FSSC 22000.
Đối với ngành hàng sản xuất và chế biến thực phẩm, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có chứng nhận FSSC 22000. Hiện nay, một số đơn vị tại Việt Nam vẫn đang xuất khẩu được một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm sang EU, ngoài vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm thì việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn FSSC 22000 là điều kiện bắt buộc. Bởi doanh nghiệm muốn hàng thực phẩm vào được thị trường EU thì yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo FSSC 22000 và được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận đã được công nhận.
Thu Hà