Ra mắt tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của nhà văn quân đội Phạm Vân Anh
Ra mắt tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của nhà văn quân đội Phạm Vân Anh
Nhà văn Phạm Vân Anh cho biết, chị đã dồn hết tâm lực cho tác phẩm, chạy đua với thời gian để tiểu thuyết ra đời. “Biên khu Việt Quế” là một dấu mốc văn xuôi quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của mình
Ngày 16/12, tại Bắc Giang, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức lễ ra mắt tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của trung tá- nhà văn Phạm Vân Anh (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng).
“Biên khu Việt Quế” mang đến cho độc giả một hình dung đầy hào sảng, tự hào về một chiến dịch hết sức ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, “nhường cơm sẻ áo”, “chia lửa, chia máu” giữa những chiến sĩ Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa và Giải phóng quân nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949.
Đến sự lễ ra mắt cuốn sách, có Tham tán văn hóa Bành Thế Đoàn và Bí thư thứ Nhất Từ Hồng đến từ Đại sứ quán Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Ma Thanh Toàn nguyên Tư lệnh Quân khu II; Nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang; giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, giáo sư Trần Đăng Suyền, giáo sư Vũ Nho; đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; đại tá Hoàng Gia Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm PTTH QĐND và các nhà văn, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, nghành, lãnh đạo các huyện của tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt, khách mời của chương trình còn có những chứng nhân lịch sử như: Thầy thuốc ưu tú Thân Văn Nhã, 94 tuổi, người chiến sĩ quả cảm, chiến đấu ngoan cường trong các trận đánh nơi biên khu Việt Quế năm 1949 hiện đang sinh sống tại phường Trần Phú, TP Bắc Giang; gia đình đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Giám đốc Công an liên khu Việt Bắc và gia đình liệt sĩ Ngọc Trình- một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… cũng đồng thời là nguyên mẫu của tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Biên khu Việt Quế của nữ nhà văn Phạm Vân Anh được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học (năm 2023) đã khắc họa sâu sắc về nghĩa tình Quốc tế cao cả giữa hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Cách đây hơn 70 năm, mùa hè năm 1949, theo mệnh lệnh của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh, quân đội ta đã cử một số đơn vị gồm 4 tiểu đoàn và 3 đại đội độc lập chia làm hai cánh hành quân băng rừng, vượt núi sang Trung Quốc để cùng với các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, truy quét những nhóm quân Quốc dân đảng cuối cùng tại một số khu vực ở miền Nam Trung Quốc. Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (01/10/1949).
Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt chống thực dân Pháp. Trong điều kiện trang bị còn thiếu thốn, nhưng chúng ta vẫn cử sang Trung Quốc những đơn vị tốt nhất. Tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, đức hy sinh cao cả, tinh thần quốc tế trong sáng của bộ đội Việt Nam trong những ngày tháng sống, chiến đấu trên đất Trung Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và các chiến sĩ Trung Quốc.
Đặc biệt, tinh thần hiệp đồng chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi giữa quân đội hai nước được thể hiện nồng ấm qua các trận đánh và trong sinh hoạt thường ngày. Cuối tháng 9/1949, lãnh đạo và nhân dân các vùng giải phóng nồng nhiệt tiễn đưa đoàn quân vang khúc khải hoàn trở lại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, trung tướng Phùng Khắc Đăng- Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: Tiểu thuyết Biên khu Việt Quế đã khai thác được tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, với phương châm “giúp bạn như giúp mình” mà Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn có nhiệm vụ sang giúp giải phóng quân, xây dựng một khu giải phóng vùng Ung – Long – Khâm (huyện Ung Ninh, Long Châu, Khâm Châu).
Cụ Thân Văn Nhã – Chiến sĩ liên lạc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn bồi hồi cho biết: Là một người chiến sĩ tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ đầu cho tới cuối cùng, điều quan trọng hơn trên cả của chiến dịch đó là xây dựng được mối tình hữu nghị giữa Việt Nam – Trung Quốc. Xây dựng nên một tinh thần đoàn kết giữa hai quân đội với tinh thần vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Tiểu thuyết là những tái hiện của một chiến dịch lớn, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, kề vai sát cánh chiến đấu giải phóng đất nước của quân đội hai nước, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã hoàn thành tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” nhằm cung cấp cho độc giả một hình dung đầy hào sảng, tự hào về một chiến dịch hết sức ý nghĩa, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, “nhường cơm sẻ áo”, “chia lửa, chia máu” giữa những chiến sĩ Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa và Giải phóng quân nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949.
Bằng tâm huyết với lịch sử và văn chương, bằng sự tri ân quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai thi pháp của “Biên khu Việt Quế” một cách chân thực, sinh động với giọng văn giàu chất thơ, mở được không gian quá khứ cùng cảnh vật, con người, suy nghĩ, cách nói…
Với tiểu thuyết này, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai khắc họa thành công một trong những sứ mệnh Quốc tế đầu tiên mà quân đội ta thực hiện trong lúc đất nước đang diễn ra cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ ác liệt chống thực dân Pháp.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị