Tổng thư ký APO: ‘Việt Nam cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp bối cảnh mới’

Năng suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai thúc đẩy năng suất tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ có năng suất cao hiện nay?

Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là bốn nền kinh tế thành viên của APO đều đã trải qua những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là giai đoạn ban đầu của hành trình năng suất (trong những năm 1950 – 1960). Nếu chúng ta nhìn vào trường hợp của Nhật Bản, họ có những kế hoạch năng suất từ dưới lên và sẽ nghiên cứu, đánh giá xem các kế hoạch đó có thể thực hiện đc không. 

Đặc biệt, họ luôn đặt mục tiêu là cải tiến liên tục, điển hình nhất là hệ thống Kaizen của Nhật. Ở các nước Đông Nam Á như Singapore, họ có kế hoạch năng suất cho 10 năm, vì vậy đó là một trong nhiều lý do khiến Singapore trở thành quốc gia điển hình cho năng suất như hiện tại.

Cải thiện năng suất chất lượng là yếu tố tiên quyết của mỗi quốc gia, từ kinh nghiệm quốc tế, xin ông cho biết, Việt Nam cần làm gì để xây dựng phong trào năng suất quốc gia?

Ở Việt Nam có hai yếu tố sẽ khiến năng suất trở nên rất thành công. Thứ nhất là chính con người Việt Nam. Tôi có thể thấy các bạn rất cần cù, chăm chỉ. Thứ hai là việc Việt Nam có sự ổn định về mặt chính trị, xã hội và an ninh. Đây đều là hai yếu tố mà Việt Nam đã sẵn có. 

Bên cạnh đó, về các cải tiến, Việt Nam nên tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Dựa theo kinh nghiệm quốc tế tôi được chứng kiến, việc này gắn liền với giáo dục, tác động trực tiếp tới phát triển tư duy, kỹ năng, năng lực của thế hệ trẻ, nâng cao năng suất để từ đó phát triển kinh tế xã hội.

TS. Indra Pradana Singawinata, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO).

Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp tái cấu trúc nội dung của chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất – Hỗ trợ cải tiến năng suất – Tự đầu tư cải tiến năng suất”. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm và tập trung kinh phí để có được kết quả tốt nhất.

Theo ông, đâu là giải pháp mấu chốt cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đặc biệt trước những biến động khó lường của nền kinh tế toàn cầu?

Hiện nay, công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất đối mặt với các thách thức như thiếu nguồn lực, khung thể chế chưa nhất quán đòi hỏi cần nền tảng bền vững và thay đổi mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, cần biết thế mạnh và điểm yếu của chính mình, và xác định cơ hội từ 5 đến 10 năm. Đặc biệt, các bên của Việt Nam từ Chính phủ, tư nhân và con người đều phải đồng lòng, thống nhất tập trung vào một lĩnh vực cụ thể cần được ưu tiên.

Đồng thời, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động. Bên cạnh cải thiện nguồn nhân lực chất lượng, hợp lý hóa yêu cầu thủ tục, tính minh bạch, xây dựng thể chế, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ ngành mới nổi như công nghệ sinh học, chuỗi logistics, thúc đẩy chuyển đổi xanh…

Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới đưa năng suất trở thành một môn học tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề, vậy theo ông làm thế nào để đạt được hiệu quả thiết thực nhất trong vấn đề này?

Việt Nam đã có những bước tiến ban đầu rất tốt, có những khoá đào tạo về kiến thức năng suất, nâng cao nhận thức năng suất tại các trường đại học. Khi các trường đã có những kiến thức cơ bản và nhận thức ban đầu, hy vọng rằng tư duy năng suất có thể được truyền tải tới tất cả mọi người. Điều này là vô cùng quan trọng vì thế hệ trẻ chính là chìa khoá quyết định tương lai của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà My (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích