Đồng Nai: Giao nhiệm vụ cho các địa phương xây nhà ở cho công nhân
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng xây dựng quy chuẩn nhà trọ trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho các địa phương phải xây nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân.
Một khu nhà trọ chật hẹp tại Phường Long Bình, TP.Biện Hoà, Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Mong mua nhà trả góp phù hợp với thu nhập
Chị Vũ Thị Duyên (38 tuổi, quê Thái Bình) vào Đồng Nai làm công nhân từ năm 2003 tại Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai). Hiện, thu nhập của chị Duyên hơn 10 triệu đồng/tháng. “Nếu gia đình con cái đều khỏe mạnh không gặp vấn đề gì thì mỗi tháng tôi tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ. Bao năm tích góp nhưng vẫn không đủ để mua nhà ở Đồng Nai. Người ta nói có an cư mới lập nghiệp được nhưng tôi thấy khó quá. Hai vợ chồng làm công nhân nuôi 2 đứa con cũng không mua nổi mảnh đất có đầy đủ pháp lý chứ chưa nói tới xây nhà. Tôi mong địa phương giúp công nhân sở hữu được nhà ở công nhân, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với thu nhập của người lao động” – chị Duyên chia sẻ.
Anh Trịnh Văn Lợi, công nhân ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai chia sẻ, người lao động ở Đồng Nai chủ yếu là nhập cư từ các tỉnh về, làm việc với hai bàn tay trắng, nhờ sức lao động lấy đồng lương để sinh sống. Đa số không có nhà, phải đi thuê trọ. “Nhiều công nhân không trụ nổi đành bỏ về quê, chấp nhận mức lương thấp vì không phải thuê nhà, ăn uống rẻ hơn, không phải tàu xe đi lại dịp Tết. Tôi mong Nhà nước có thêm chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ về nhà ở cho người lao động” – anh Lợi nói.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 1,2 triệu người lao động, trong đó có 630.000 người lao động làm việc trong các KCN. Lao động là công nhân nhập cư tăng nhanh tại một số địa phương có nhiều KCN như: Huyện Nhơn Trạch, Huyện Trảng Bom, TP.Biên Hòa dẫn đến nhu cầu về nhà ở rất cao. Người lao động phải thuê ở trong các phòng trọ nằm rải rác trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt hằng ngày nhỏ hẹp, xập xệ, không đảm bảo cho sức khỏe và môi trường thiếu an toàn, với giá thuê trọ từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng.
Ông Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết: Các khu nhà trọ ở Đồng Nai với đặc thù 2 dãy nhà nhiều phòng song song đối diện nhau, khoảng cách ở giữa khoảng 1m. Nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Xây dựng quy chuẩn nhà trọ công nhân
Hiện nay, Đồng Nai có 13 dự án nhà ở công nhân đã được xây dựng. Trong đó, có 3 dự án nhà ở công nhân do các công ty đầu tư hạ tầng KCN thực hiện và 10 dự án do các Doanh nghiệp trong các KCN đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của người lao động.
Theo các doanh nghiệp, họ có sẵn nguồn lực để xây dựng nhà ở cho công nhân của công ty mình. Tuy nhiên, lại gặp phải các vướng mắc ở thủ tục, quỹ đất được cấp để xây dựng lại ở xa nhà máy xí nghiệp, không phù hợp để làm nơi ăn ở đi làm cho người lao động.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng không mặn mà xây dựng nhà ở công nhân cũng vì hồ sơ thủ tục phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, căn hộ hoàn thành lại bị khống chế về giá bán.
Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ siết chặt quản lý các khu nhà trọ, dự án nào xây dựng khu nhà trọ công nhân phải có quy chuẩn rõ ràng, không thể để mật độ nhà trọ dày đặc ở các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, phòng ốc không bảo đảm các tiêu chí tối thiểu như hiện nay. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tính toán để đưa công nhân lao động của 1 doanh nghiệp ở chung 1 khu, tạo thuận tiện cho việc quản lý. “Tôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh xây dựng quy chuẩn nhà trọ trên địa bàn, giao nhiệm vụ cho các địa phương phải xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân” – ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Ông Tăng Quốc Lập – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết: LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp để nâng cao chất lượng, điều kiện nơi ở trọ của người lao động ở các địa phương, nhất là điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn: Báo xây dựng