Đắk Lắk ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh Whitmore


Ngày 13/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh nhân mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp. Đây là trường hợp thứ 2 mắc bệnh Whitmore trong năm 2023 tại Đắk Lắk.
Theo đó, Bệnh nhân là L.V.L. (59 tuổi, trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Theo thông tin ban đầu, khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân L. bị gãy xương cẳng chân phải và đã phẫu thuật.
Tuy nhiên, đến ngày 4/12, vết thương xuất hiện dịch mủ, do đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám và chẩn đoán nhiễm trùng vết thương cẳng chân (P) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore) gây nên. Ngay sau đó, bệnh nhân này phải nhập viện điều trị.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt và đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Ngay khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Trạm y tế xã Cư Kbang tiến hành điều tra dịch tễ, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn, đồng thời tích cực tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bệnh Whitmore (còn được gọi là bệnh Melioidosis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Đường xâm nhập vào cơ thể người của vi khuẩn B. pseudomallei thường nhất là qua da bị trầy sướt. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau. Các thể lâm sàng này có thể xuất hiện riêng rẽ hay phối hợp như viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết/Sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm: áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào; áp xe đa cơ quan: áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da…. những trường hợp tổn thương da dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể. Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỉ lệ tử vong cao và một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỉ lệ tử vong do bệnh Whitmore là trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.
Cho đến hiện nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính từ trước như đái tháo đường, bệnh gan mạn… bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động như mang găng tay, đi ủng. Nếu chẳng may bị vết thương, tránh để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn khi chưa lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn. Khi ra ngoài, cần mang khẩu trang bảo vệ đường hô hấp, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi. Khi có những vấn đề về sức khỏe, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu