Vĩnh Phúc: Cần thiết phải xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao

(Xây dựng) – Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng tăng trong khi cơ sở hạ tầng xử lý rác còn nhiều hạn chế. Do vậy, chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao thực sự cần thiết, giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Vĩnh Phúc: Cần thiết phải xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao
Lượng rác sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn làm cho các bãi rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Thực trạng vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh

Theo kết quả điều tra, khảo sát, tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 920 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày.

Đối với khu vực đô thị (thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên) việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ với 2 công ty: Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên và Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị Phúc Yên. Tỷ lệ rác được thu gom đạt trên 95% và thu gom hàng ngày để vận chuyển về nơi xử lý. Tuy nhiên, chi phí cao.

Ở khu vực nông thôn, hầu hết các xã, thị trấn sử dụng hình thức chôn lấp tại các bãi rác. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 232 bãi rác tạm với diện tích khoảng 31,2ha. Ngoài ra, trong thời gian qua ngân sách tỉnh và một số doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt 37 lò đốt rác quy mô cấp xã (34 lò từ nguồn ngân sách, 3 lò từ nguồn vốn doanh nghiệp) và 2 nhà máy xử lý rác thải (Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, công suất 150 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, công suất 120 tấn/ngày đêm).

Thực tế hiện nay, các lò đốt thủ công từ nguồn ngân sách tỉnh đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhà máy xử lý rác tại thị trấn Hợp Hòa hoạt động thiếu ổn định, công suất xử lý chỉ đạt ½ công suất mục tiêu đề ra. Phần lớn rác thải sinh hoạt được chôn lấp tại các bãi rác tạm thời hoặc đổ thành bãi lộ thiên đã quá tải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn cuộc sống của người dân xung quanh.

Hơn nữa, năng lực thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Phương tiện thu gom tại các hợp tác xã và tổ dịch vụ vệ sinh môi trường còn thô sơ, chủ yếu là xe đẩy tay, xe ba gác, xe tự chế. Số lượng xe ép rác, xe chuyên dụng tại các công ty thu gom, vận chuyển rác còn hạn chế. Công việc thu gom, vận chuyện rác thải rất nặng nhọc, vất vả, độc hại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người thu gom rác mà lương lại thấp.

Sự cần thiết phải xây dựng nhà máy xử lý rác công suất lớn, công nghệ hiện đại

Dự báo đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 980 tấn/ngày, gây áp lực lên hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Vì vậy, việc xử lý rác thải bảo vệ môi trường tại cả khu vực thành thị và nông thôn đang là vấn đề cấp thiết của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước vấn đề về rác thải sinh hoạt hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Vĩnh Phúc: Cần thiết phải xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao
Phối cảnh nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.

Một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài để giải quyết triệt để vấn đề rác thải, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là mỗi huyện phải xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần tiết kiệm tối đa diện tích đất chôn lấp. Từ đó, cải thiện môi trường sống cho người dân, nâng cao cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn. Đồng thời, biến rác trở thành nguồn tài nguyên sản xuất ra điện và tổng hợp tái chế ra nhiều sản phẩm có ích cho cuộc sống. Ngoài ra còn tạo thêm việc làm trong lĩnh vực xử lý môi trường, tạo cơ hôi tiếp cận công nghệ tiên tiến cho nguồn nhân lực của địa phương

Hiện nay, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ ở ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; Nhà máy điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội với công suất 4.000 tấn/ngày đêm…

Cùng với đó, nhiều địa phương khác cũng đang trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt như: Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với công suất 1.000 tấn/ngày; 2 dự án nhà máy điện rác ở huyện Lương Tài và huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Dự án Nhà máy điện rác Bắc Quảng Nam ở tỉnh Quảng Nam; Dự án Nhà máy điện rác tại phường Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa…

Giải pháp trước mắt của tỉnh, các cấp chính quyền sẽ hướng dẫn để người dân tự phân loại rác tại nguồn nhằm hạn chế tối đa khối lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý; đóng cửa, xử lý các bãi rác không đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực đã có nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ, địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các địa phương trong đó sớm khởi công nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch.

Giải pháp lâu dài của tỉnh Vĩnh Phúc là tập trung mọi nguồn lực, kêu gọi nhà đầu tư đầu tư xây dựng mỗi huyện một nhà máy xử lý rác công nghệ cao. Chủ trương và tiến trình thực hiện được cụ thể hóa trong Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để mục tiêu sớm thành hiện thực cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đặc biệt là người dân tại địa phương có quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích