Nghệ An: Đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn
Còn đó nỗi lo
Do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp.
Theo Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), năm 2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 03 vụ ngộ độc thực phẩm thuộc cấp huyện, xã quản lý với 95 người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó 02 vụ ngộ độc thực phẩm không xác định được nguyên nhân và 01 vụ do vi khuẩn tụ cầu vàng trong sữa chua lên men do nhân viên tự chế biến.
Các lỗi vi phạm về ATTP chủ yếu như: Cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP không có hoặc đã hết hạn; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn; Người trực tiếp chế biến thức ăn không đầy đủ trang phục bảo hộ lao động theo quy định; Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đảm bảo; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản thực phẩm… Ngoài ra tiêu hủy sản phẩm với tổng giá trị hơn 624 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận VSATTP, còn cấp huyện và xã vẫn chưa thể kiểm soát một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng nghìn cơ sở hoạt động tự do, chưa được đăng ký, quản lý về cơ sở, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống nhiễm khuẩn.
Các vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, chia thành 3 nhóm: Vi phạm các quy định về sản xuất, chế biến thực phẩm, được cụ thể hóa ở các loại hình như dùng chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, tạo nạc, đưa tạp chất bẩn vào thực phẩm; sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia quá mức cho phép; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhóm vi phạm pháp luật và các quy định về kinh doanh thực phẩm (mua bán các loại thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn mác, bao bì…).
Tăng cường kiểm tra
Ông Nguyễn Hồng Phong – phó Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết, qua kiểm tra tại các chợ, cơ sở sản xuất…, lực lượng chức năng đã phát hiện có chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm…
Theo Chi cục ATVSTP Nghệ An, so với những năm trước, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nắm bắt được Luật ATTP, thể hiện qua việc các cơ sở thực hiện tương đối đầy đủ giấy tờ liên quan đến ATTP, đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Một số làng nghề sản xuất theo thói quen mà không biết những thói quen đó ảnh hưởng đến vấn đề ATTP của sản phẩm.
Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết đã có kế hoạch, chủ động làm tốt chức năng quản lý nhà nước của mình trên lĩnh vực đảm bảo ATVSTP. Nghệ An triển khai những mô hình sản xuất sạch, chăn nuôi sạch, trồng trọt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để người dân học tập và làm theo; tích cực trong công tác quản lý vật tư, cây giống, chất kích thích trên thị trường, giám sát tốt nhất để giảm thực trạng sử dụng chất cấm của người dân một cách tối đa.
Theo ông Phạm Ngọc Quy – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, thời gian tới, các cơ quan chức năng, UBND các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và đến tận người tiêu dùng. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại địa phương tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh được phân công, phân cấp, tạo được sự thống nhất. Các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND cấp huyện đã triển khai thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
Để công tác đảm bảo VSATTP thực sự đem lại hiệu quả, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo ATTP, huy động cả cộng đồng cùng tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm bẩn.
Các lực lượng chức năng cần phải tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định ATTP; đồng thời tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, nhất là sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng miền.
Những người sản xuất, kinh doanh cần phải tự giác chấp hành các quy định của nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Còn phía người tiêu dùng hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn những loại sản phẩm an toàn.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu