TP.HCM: Kiểm tra doanh nghiệp có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động

UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về ATVSLĐ, hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, VSLĐ…

Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn có liên quan; thực hiện công tác khai báo với UBND Thành phố (thông qua Sở LĐTBXH) đối với việc sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, chất, có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định.

TP.HCM: Kiểm tra doanh nghiệp có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động
Hiện trường vụ tai nạn lao động làm chết 1 người tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM vào ngày 12/12/2023. Ảnh: Như Sỹ.

Đáng chú ý, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, thống kê tình hình của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, phạm vi quản lý, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; tập trung đối với những doanh nghiệp có nhiều nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ như sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, sử dụng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động thuộc phạm vi quản lý thực hiện thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở theo quy định tại Thông tư số 13/2020 của Bộ LĐTBXH; thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ tình hình tai nạn lao động, công tác ATVSLĐ hằng năm về UBND Thành phố (thông qua Sở LĐTBXH) theo quy định.

Ngoài ra UBND Thành phố cũng chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn; mở sổ thống kê tai nạn lao động; đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Đã có hơn 350 người chết vì tai nạn lao động

Tại hội nghị tổng kết 5 năm (2018 – 2023) thực hiện quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn TP.HCM diễn ra vừa qua, đại diện Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: Từ ngày 1/1/2019 đến 30/11/2023, lực lượng chức năng Thành phố đã tiến hành khám nghiệm hiện trường 347 vụ TNLĐ chết người (làm chết 352 người, bị thương 27 người).

Thanh tra Sở LĐTBXH đã tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với 378 tổ chức, cá nhân tổng cộng 684 lỗi vi phạm. Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố thụ lý điều tra 32 vụ án, 40 bị can về các tội “Vi phạm quy định về ATLĐ”, “Vi phạm về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”,… , đã đề nghị truy tố 25 vụ án, 38 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã truy tố 24 vụ với 27 bị can, đưa ra xét xử 23 vụ với 26 bị can.

Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra tại công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do cá nhân hoặc công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết, không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ.

*Gần đây nhất vào ngày 12/12, một nhóm người đang tháo dỡ công trình xây dựng nhà không phép (lấn chiếm kênh rạch) ở hẻm 190, đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức, TP.HCM thì bất ngờ phần tường và sàn nhà sập xuống, vùi lấp, khiến một thợ hồ là ông Đặng Trí Thức (sinh năm 1982) tử vong.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, cùng với việc khẩn trương khắc phục, xử lý hiện trường, UBND phường Trường Thạnh đã thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân 5 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức đã thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình nạn nhân, trao số tiền 30 triệu đồng. Cùng với đó, chính quyền phường Long Phước, thành phố Thủ Đức cũng trao số tiền 7,5 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo” của phường và các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ cho gia đình.

Xuân Tình

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích