Thừa Thiên – Huế: Tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số – Huế 2023

(Xây dựng) – Ngày 14/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số – Huế 2023 với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số – thúc đẩy liên kết vùng”.

Thừa Thiên – Huế: Tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm dữ liệu số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuần lễ Chuyển đổi số – Huế 2023 với hơn 20 hoạt động phong phú diễn ra trong tháng 12/2023. Trong đó, các hoạt động trọng tâm và nổi bật nhất diễn ra trong ngày 14/12/2023. Sự kiện thu hút hơn 2.000 lượt khách tham dự đại diện các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, các tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp uy tín trên cả nước, cùng đại diện các cơ quan truyền thông.

Hơn 50 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về chuyển đổi số, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ và thảo luận trong 4 phiên chuyên đề. Phiên toàn thể với chủ đề: Kiến tạo dữ liệu số – thúc đẩy liên kết vùng; chuyên đề 1 – Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; chuyên đề 2 – Kiến tạo và khai thác dữ liệu số – tạo đột phá phát triển du lịch văn hoá; chuyên đề 3 – Quản trị và khai thác dữ liệu số ngành Y tế.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại những thông tin, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về kiến tạo và khai thác dữ liệu số, mà còn mong muốn thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương trong công tác chuyển đổi số, khai thác dữ liệu số tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội ở Huế nói riêng và toàn vùng kinh tế miền Trung.

Thừa Thiên – Huế: Tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023
Nhiều gian hàng trưng bày tại Tuần lễ chuyển đổi số – Huế 2023.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Có thể khẳng định rằng, với việc quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu đã đem lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều lợi ích thiết thực: Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các nguồn thông tin như bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch, dữ liệu sức khoẻ cá nhân, thông tin thời tiết… thông qua ứng dụng di động Hue-S; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian hơn khi tìm kiếm thông tin về chỉ số kinh tế – xã hội; hệ thống di sản, văn hoá được số hóa đã giúp việc lưu trữ được tiến hành một cách khoa học hơn, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và đem lại những sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm mới cho du khách bốn phương…

Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng kinh để chia sẻ nguồn lực, tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Tháng 01/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị. Tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030.

PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Thể chế vùng trong giai đoạn phát triển vừa quan căn bản chưa thành công, vì 3 lý do: Vùng thiếu động lực, thiếu quyền lực để hành động độc lập; thiếu nguồn lực vận hành và nguồn lực bảo đảm liên kết, phối hợp; thể chế điều hành vùng chưa phù hợp, kém hiệu lực, không hiệu quả. Các vùng kinh tế cần có cách tiếp cận liên kết mới dựa trên nền tảng số, liên kết số, kỹ thuật số, công nghệ cao”.

Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu số cần phải đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết, liên thông, đóng vai trò làm công cụ, làm nền tảng cho việc thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác liên kết và phát triển, đặc biệt: Giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, đại diện của Đà Nẵng cũng thống nhất quan điểm và đề xuất 4 nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy liên kết vùng bao gồm: Đưa nội dung chuyển đổi số, xây dựng smart city là một nội dung của hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lại Hội đồng CTO/CIO miền Trung; các Bộ ngành, địa phương ban hành danh mục dữ liệu, đặc tả dữ liệu, Bộ, ngành chia sẻ dữ liệu cho địa phương, cơ quan Trung ương tại địa phương chia sẻ dữ liệu cho UBND tỉnh thành; có chính sách thúc đẩy, khuyến khích sử dụng dữ liệu mở bằng tài chính hoặc điểm thưởng trong giải thưởng, thi đua.

Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Vùng kinh tế miền Trung có 2 hạt nhân luôn dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số cả nước, đang tiên phong trong kiến tạo dữ liệu số của địa phương là Huế và Đà Nẵng. Vì vậy, hưởng ứng năm dữ liệu số quốc gia của Bộ thông tin và Truyền thông, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 lấy chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số – thúc đẩy liên kết vùng”, hướng tới mục tiêu kêu gọi sự chung tay của các địa phương từ các cấp lãnh đạo cao nhất, đến lãnh đạo các sở ngành, và doanh nghiệp”.

Phiên Hội nghị chuyên đề, Tuần lễ Chuyển đổi số – Huế 2023 còn tổ chức hoạt động triển lãm công nghệ đến từ 30 gian hàng trưng bày các tiện ích chuyển đổi số của Huế, các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, BKAV, FPT, Mobifone… và các ý tưởng, sản phẩm công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút 3.000 lượt tham quan triển lãm từ đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người dân, sinh viên, thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong khuôn khổ Tuần Chuyển đổi số – Huế 2023, vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo tương lai – VietFuture 2023 cũng được VINASA tổ chức lần đầu tiên dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và đăng cai của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Chương trình thu hút 74 dự án từ 27 trường cao đẳng, đại học trên cả nước dự thi.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích