Đồng Nai nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn

Đồng Nai nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn

Hiện nay tại 97 xã của 10 huyện, thành phố tỉnh Đồng Nai đều bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt; có hơn 1.500 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh và UBND H.Cẩm Mỹ tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp” năm 2023 tại UBND xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ thu hút đông đảo nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia.

tm-img-alt
Mô hình tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, khối lượng phát sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 49,2% khối lượng chất thải rác sinh hoạt toàn tỉnh. Trong đó, khối lượng chất thải rác sinh hoạt khoảng 814 tấn/ngày được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Còn khoảng 111 tấn/ngày khối lượng chất thải rác sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom, được các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý theo hướng dẫn như làm phân bón, thức ăn gia súc, bán phế liệu…

Tại 97 xã của 10 huyện, thành phố đã bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 120/120 xã đều có đơn vị thu gom là các hợp tác xã, tổ thu gom, các cá nhân thực hiện việc thu gom chất thải rác sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình đến các trạm trung chuyển/khu xử lý.

Kết quả triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 43% số hộ dân toàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày, đạt 21,5% so với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.​

Hội thảo cũng trao đổi, thảo luận về hiệu quả xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… giúp giảm chi phí đầu vào, cây trồng phát triển khỏe, chất lượng nông sản an toàn. Mô hình này đang được nhân rộng tại các địa phương góp phần nâng cao chất lượng nông sản địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt chú trọng để huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia chương trình. Tiêu biểu như các mô hình: Xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn tại các khu dân cư gắn với vai trò của UBMTTQ Việt Nam tỉnh…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích