Cục Thuế đề xuất nhiều biện pháp “mạnh”, tiền nộp thuế đất tỉnh Hải Dương vẫn thấp lẹt đẹt
(Xây dựng) – Văn bản báo cáo của Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, tổng số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp của 33 dự án trong năm 2023 là 12.311,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu được hiện nay với chỉ đạt khoảng trên 1.400 tỷ đồng.
Lý giải về một số tồn tại, khó khăn về công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Cục thuế tỉnh Hải Dương cho rằng, các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tình hình tài chính do thị trường bất động sản đang đóng băng, trầm lắng (Ảnh minh họa). |
Cục Thuế tỉnh Hải Dương đề nghị các Sở, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án và đôn đốc các chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách.
Mặc dù đề xuất nhiều biện pháp “mạnh” như bêu tên doanh nghiệp nợ thuế, mời lên làm việc với công an lập biên bản, tạm hoãn xuất cảnh đối với một số chủ đầu tư dự án… nhưng số liệu báo cáo của Cục Thuế tỉnh Hải Dương vẫn thấp lẹt đẹt.
Cục Thuế tỉnh Hải Dương vừa có báo cáo UBND tỉnh Hải Dương về tiến độ và việc đôn đốc các doanh nghiệp sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Theo Cục Thuế tỉnh Hải Dương, năm 2023 Bộ Tài chính giao dự toán thu nội địa cho tỉnh Hải Dương là 15.155 tỷ đồng. Trong đó, có 3.700 tỷ đồng là giao thu về tiền sử dụng đất) kết quả thu toàn tỉnh tính đến hết ngày 25/10/2023 thu được 12.830 tỷ đồng, đạt 84,6% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó, tiền sử dụng đất thu được 2.296 tỷ đồng, đạt 62% so với dự toán Trung ương giao.
Liên quan đến công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi nhận được các Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể ngành Thuế tỉnh Hải Dương đã kịp thời phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất và thông báo nộp tiền thuê đất gửi đến các chủ đầu tư.
Đồng thời, đôn đốc thu nộp hàng tháng bằng các hình thức: Gọi điện, nhắn tin, phát hành thông báo nợ gửi đến các chủ đầu tư thực hiện dự án. Mặt khác, phối kết hợp với cơ quan Công an mời làm việc, lập biên bản đối chiếu số nợ về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với từng chủ đầu tư, thông báo số tiền chậm nộp tạm tính đối với từng dự án và nắm bắt những tồn tại, vướng mắc của từng dự án.
Trong đó, các khoản nợ trên 90 ngày, Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp, bao gồm: DNTN Thương mại Bình Minh, Công ty TNHH TM&XD Thắng Duyến, Công ty TNHH Khánh Hoà VN và DNTN xí nghiệp tư doanh VT Hồng Lạc (trừ một số doanh nghiệp có cam kết nộp trong tháng 10 và tháng 11/2023), thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với một số chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đối với một số dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cơ quan thuế đã thực hiện công khai thông tin nợ thuế trên trang thông tin điện tử của Cục thuế và tiếp tục công khai thông tin trên đài phát thanh, truyền hình của tỉnh.
Về kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho biết, tổng số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp của 33 dự án là: 12.311,8 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất là 11.794,5 tỷ đồng; tiền thuê đất là 517,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến thời điểm báo cáo mới có 04 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước với số đã nộp là 1.103,2 tỷ đồng; 10 dự án đã thực hiện nộp một phần nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước với số tiền đã nộp là 332,6 tỷ đồng. Các dự án còn lại chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách Nhà nước.
Lý giải về một số tồn tại, khó khăn về công tác thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cho rằng, các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tình hình tài chính do thị trường bất động sản đang đóng băng, trầm lắng, chưa huy động được các khoản vay của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng dẫn đến chưa có nguồn để thanh toán các khoản nợ về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách Nhà nước.
Một số dự án còn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án chưa được xác định kịp thời số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp.
Do đó, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên, Cục Thuế tỉnh Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án, xem xét trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư, phối hợp với ngành Thuế động viên, đôn đốc các chủ đầu tư dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách.
Đồng thời, đề nghị các Sở, ngành: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện hoàn thiện hồ sơ chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền sử dụng đất và tiền thuê đất làm căn cứ cho Cơ quan thuế xác định lại số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp cho doanh nghiệp, thực hiện ghi thu ghi chi số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của từng dự án.
Xem xét sớm nghiệm thu các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, đô thị để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đủ điều kiện được bán hàng, có nguồn để thanh toán các khoản nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước và các khoản vay của ngân hàng.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước và các Ngân hàng thương mại xem xét, bổ trợ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án tiếp cận các khoản vay để triển khai dự án và nộp các khoản tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước.
Liên quan đến vấn đề thuế sử dụng đất, hàng loạt doanh nghiệp có dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền về việc xem xét một số nội dung bất cập trong một văn bản của UBND tỉnh này, hướng dẫn một số chỉ tiêu khi xác định giá đất cụ thể bằng phương pháp thặng dư trên địa bàn tỉnh.
Trong công văn đề nghị, nhóm doanh nghiệp cũng cho rằng, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án trên địa bản tỉnh Hải Dương quá cao không sát với thị trường bất động sản.
Nhóm doanh nghiệp này cho rằng, căn cứ các thông báo tiền sử dụng đất của các dự án trong thời gian vừa qua đều quá cao. Có những dự án tăng gấp gần 3 lần so với giá thị trường bất động sản hiện tại.
“Tiền sử dụng đất tính lên quá cao trong khi giá đất thị trường giảm trung bình 30%, khó khăn về hoạt động kinh doanh và khó tiếp cận lãi vay từ ngân hàng, dẫn đến tình trạng chúng tôi không triển khai được dự án và mức thuế mới áp dụng chúng tôi không thể nộp được”, đại diện một chủ đầu tư bức xúc nói.
Nguồn: Báo xây dựng