Hơn 1.000 bệnh viện ở Châu Âu có nguy cơ đóng cửa do biến đôi khí hậu
Hơn 1.000 bệnh viện ở Châu Âu có nguy cơ đóng cửa do biến đôi khí hậu
Ở Châu Âu, hơn 1.000 bệnh viện có nguy cơ cao phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần vào năm 2100 do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo nghiên cứu của tổ chức phân tích rủi ro khí hậu “Sáng kiến phụ thuộc chéo” (XDI), cứ 1 trong 12 bệnh viện trên toàn thế giới sẽ có nguy cơ đóng cửa cao do điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào năm 2100.
Tổ chức này phân tích 200.000 bệnh viện trải rộng trên các khu vực khác nhau trên thế giới và cho thấy nếu lượng khí thải giảm nhanh chóng, thiệt hại dự kiến đối với các bệnh viện vào cuối thế kỷ này sẽ chỉ bằng một nửa so với khi lượng khí thải ở mức cao.
Ở Châu Âu, hơn 1.000 bệnh viện có nguy cơ cao phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần vào năm 2100, trong đó Italy đứng đầu bảng xếp hạng.
Nếu không loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, Bỉ, Ireland, Xứ Wales và Đan Mạch có thể đối mặt với nguy cơ thiệt hại cơ sở hạ tầng bệnh viện tăng theo cấp số nhân (500-1000%) vào năm 2100.
Điều này có nghĩa là cơ sở hạ tầng của khoảng 7% bệnh viện được nghiên cứu phân tích có thể phải chịu thiệt hại với nguy cơ đóng cửa một phần hoặc toàn bộ, chủ yếu là do các mối nguy hiểm liên quan đến lũ lụt.
Theo tiến sỹ Karl Mallon, Giám đốc khoa học và công nghệ tại XDI cho biết biến đổi khí hậu đang có tác động ngày càng lớn đến sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.
Phân tích của XDI cho thấy nếu không nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, rủi ro sức khỏe toàn cầu sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi hàng nghìn bệnh viện sẽ không thể cung cấp dịch vụ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Tiến sỹ Karl Mallon kết luận: “Giải pháp rõ ràng nhất để giảm đáng kể rủi ro này cho bệnh viện và giữ an toàn cho cộng đồng là giảm lượng khí thải”.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị