Thuốc BVTV trước khi lưu thông cần đảm bảo hợp chuẩn, hợp quy

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) – VIPA khẳng định, thuốc BVTV là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Theo đó, thời gian nghiên cứu cho một thuốc mới kéo dài, chi phí nghiên cứu rất tốn kém. Hiện nay, để một thuốc BVTV mới, từ khi nghiên cứu đến khi giới thiệu ra thị trường, các công ty phát triển phải mất hơn 11 năm nghiên cứu với chi phí 283 triệu USD (Mỹ).

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thuốc BVTV là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân, khi nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân từ thăm dò sử dụng, đến ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp BVTV khác.

Chính vì do lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai kỹ thuật như dùng quá liều, dùng nghịch kỳ,…, nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ rõ như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên, làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, gây xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới, tạo ra các sinh vật gây hạị chống thuốc, gây đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng phát và tái phát dịch hại, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc BVTV bị giảm sút hoặc mất hẳn.

Do đó, để nông nghiệp phát triển bền vững, theo Chủ tịch VIPA, thay vì tranh luận “nên hay không nên” dùng thuốc BVTV hóa học, thì nên thảo luận về việc “nên dùng thuốc BVTV thế nào để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và kỹ thuật và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, vật nuôi và môi trường. Cần phải nhấn mạnh rằng, trước khi một thuốc BVTV mới được lưu hành, các nhà sản xuất phải vượt qua được hàng loạt những đánh giá rất nghiêm ngặt về hiệu quả tác động, độ an toàn về thực phẩm và sức khoẻ con người, với môi trường.

Việc lạm dụng, dùng sai liều lượng thuốc BVTV gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Liên quan tới việc được phép đưa thuốc BVTV lưu hành ra thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tại Điều 13 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định:

Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận được chỉ định thì: Đối với sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước: “Sau khi có Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hoá”.

Đối với hàng hoá nhập khẩu: “Sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nộp bản sao y chính Thông báo này cho cơ quan để thông quan hàng hoá”. Vậy, công ty căn cứ quy định nêu trên để thực hiện việc đưa thuốc bảo vệ thực vật ra lưu thông đúng quy định của pháp luật.

Còn theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT về thuốc BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc BVTV phải được đăng ký không nhỏ hơn quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và khi xác định, hàm lượng trung bình không được nhỏ hơn mức hàm lượng tối thiểu đã đăng ký.

Trường hợp hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc kỹ thuật chưa có trong quy định hiện hành thì phải đăng ký, được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chấp thuận và khi xác định, hàm lượng trung bình không nhỏ hơn mức hàm lượng tối thiểu đã đăng ký.

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật có trong các dạng thuốc bảo thực vật thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải được đăng ký và khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký.

Đối với các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thực vật, hàm lượng hoạt chất phải được đăng ký và khi xác định, hàm lượng hoạt chất trung bình tuân theo mức sai lệch cho phép quy định cụ thể trong quy chuẩn này ở giá trị nhỏ và không giới hạn ở giá trị lớn.

Lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm sau khi thử rây khô: Không lớn hơn 5%. Thể tích bọt tạo thành sau 1 min: Không lớn hơn 60 ml. Sản phẩm sau khi pha với nước cứng chuẩn D ở 30°C ± 2°C trong 5 min, hàm lượng hoạt chất trong dung dịch huyền phù: Không nhỏ hơn 60%.

Sản phẩm sau khi pha loãng với nước cứng chuẩn C ở 30°C ± 2°C trong 24 giờ dung dịch đồng nhất trong suốt hoặc trắng sữa không lắng cặn. Nếu có cặn thì lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm: không lớn hơn 2%…

Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này; trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung các nội dung tại Quy chuẩn này khi cần thiết; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về hợp quy, các hành vi vi phạm quy định về hợp quy bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 19 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 33 Điều 2 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

Ban hành 5 tiêu chuẩn cơ sở về thuốc bảo vệ thực vật

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật vừa ký Quyết định ban hành 5 tiêu chuẩn cơ sở đợt 3 năm 2023 về thuốc BVTV. Cụ thể gồm: 

TCCS 859: 2023/BVTV về Thuốc bảo vệ thực vật – Xác định hàm lượng hoạt chất Cyclobutrifluram bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

TCCS 860: 2023/BVTV về Thuốc bảo vệ thực vật – Xác định hàm lượng hoạt chất Cyenopyrafen bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

 TCCS 860: 2023/BVTV về Thuốc bảo vệ thực vật – Xác định hàm lượng hoạt chất Cyenopyrafen bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

TCCS 862: 2023/BVTV về Thuốc bảo vệ thực vật – Xác định hàm lượng hoạt chất Fluazaindolizine bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

TCCS 863: 2023/BVTV về Thuốc bảo vệ thực vật – Xác định hàm lượng hoạt chất Fluxametamide bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích