Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang trên đà phát triển

(Xây dựng) – Xu hướng du lịch nông nghiệp đang nổi lên trên toàn cầu đã tìm thấy điểm cập bến lý tưởng ở Việt Nam, quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến 62,7% (theo số liệu từ Statista). Di sản văn hóa phong phú gắn liền với truyền thống trồng lúa và các vườn cây ăn trái bạt ngàn đang tạo tiền đề cho ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang trên đà phát triển
Du khách khám phá Đồng bằng sông Cửu Long bằng thuyền.

Du lịch nông nghiệp có thể trở thành động lực phát triển nông thôn toàn diện

“Du lịch nông nghiệp có thể trở thành động lực phát triển nông thôn toàn diện” là nhận định của Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT.

Du lịch nông nghiệp bao gồm các hoạt động xoay quanh nông nghiệp, người nông dân và cảnh quan nông thôn. Loại hình này có thể cung cấp trải nghiệm toàn diện, hấp dẫn, cũng như mang tính giải trí và giáo dục.

Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang đầu tư khai thác yếu tố nông nghiệp nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, đáp ứng thị hiếu của du khách. Thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thủ công và trái cây địa phương cũng góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Ở miền Bắc, các tour du lịch nông nghiệp tập trung vào trồng cấy lúa nước truyền thống và các nghề thủ công, như tour trải nghiệm văn hóa đồng lúa hay khám phá con đường di sản ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các sản phẩm thể hiện tính đa dạng nông nghiệp, ví dụ như tour tham quan làng dân tộc thiểu số ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Số lượng du khách đến với loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao cũng gia tăng đáng kể ở nhiều địa phương.

Mặc dù số liệu thống kê còn hạn chế nhưng có thể thấy du lịch nông nghiệp đang ngày càng thu hút người tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp có thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Bằng cách đưa các yếu tố giáo dục vào trải nghiệm du lịch nông nghiệp, du khách sẽ hiểu sâu hơn về truyền thống và văn hóa cũng như tầm quan trọng của các hoạt động bền vững, thúc đẩy mối liên hệ có ý nghĩa hơn với điểm đến.

Việc tương tác mang lại lợi ích cho đôi bên như vậy cũng xây dựng ý thức cộng đồng và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân và khách tham quan, khiến du lịch nông nghiệp trở thành chất xúc tác để phát triển nông thôn toàn diện và bền vững.

Tuy nhiên, một số thách thức đang cản trở du lịch nông nghiệp phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam. Một trong những vấn đề chính là phát triển sản phẩm. Mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm du lịch gặp khó khăn trong thu hút sự quan tâm của du khách.

Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang trên đà phát triển
Tuyến đường đạp xe giữa không gian ruộng lúa tuyệt đẹp ở miền Bắc.

Du lịch nông nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức về chất lượng dịch vụ, cụ thể là nhiều người dân địa phương còn thiếu kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp. Vì nhược điểm này mà các sản phẩm du lịch còn đơn giản, chưa được khai thác tốt, khiến khả năng chi tiêu của du khách bị hạn chế. Việc thiếu sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ toàn diện đang kìm hãm sự phát triển của ngành.

Các vấn đề về kết nối đặt ra thách thức thứ ba khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và điểm đến vẫn chưa chặt chẽ. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế.

Trải nghiệm mua sắm trong du lịch nông nghiệp cũng có những thách thức riêng. Sản phẩm thường thiếu thương hiệu và bao bì hấp dẫn, phần nào khiến du khách ngần ngại về chất lượng và độ an toàn. Ngoài ra, việc giới thiệu và trình bày quy trình sản xuất không đầy đủ cũng làm giảm trải nghiệm mua sắm tổng thể.

Nguồn nhân lực khan hiếm, đặc biệt là ở những công việc mang tính chất dịch vụ, là thách thức thứ năm. Việc thiếu nguồn lao động có kỹ năng ảnh hưởng đến khả năng cung cấp trải nghiệm du lịch nông nghiệp sáng tạo và chất lượng cao. Tình trạng thiếu đào tạo về quản lý vận hành cho các điểm đến nông nghiệp và làng nghề càng làm trầm trọng thêm những hạn chế này.

Cuối cùng, các nỗ lực quảng bá và tiếp thị cho du lịch nông nghiệp được coi là chưa đủ và chưa chuyên biệt. Những chiến lược hiện tại chủ yếu tập trung vào quảng bá du lịch nói chung mà bỏ qua sức hấp dẫn riêng của các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Nuôi dưỡng thành công cho du lịch nông nghiệp

Tính hấp dẫn đặc biệt của du lịch nông nghiệp nằm ở sự kết hợp giữa các giá trị văn hóa truyền thống và thiên nhiên ở vùng nông thôn. Để đảm bảo phát triển hiệu quả, các hoạt động du lịch nông nghiệp cần có không gian dịch vụ bài bản. Đó có thể là nông trại, cánh đồng, vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống hay các vùng quê có giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực địa phương độc đáo.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương là đặc biệt quan trọng. Là đối tượng gắn bó mật thiết với môi trường văn hóa và phương pháp sản xuất, người dân địa phương đóng vai trò không thể thiếu trong việc tổng hợp và chia sẻ các giá trị văn hóa với du khách. Họ trở thành người bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa nông nghiệp, góp phần tạo nên trải nghiệm du lịch “có một không hai”.

Cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp cũng rất quan trọng. Người dân địa phương, công ty du lịch và các đối tác khác nên cùng nhau chia sẻ lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Hoạt động du lịch đã gia tăng đáng kể thu nhập của người dân địa phương thông qua các dịch vụ như homestay, hướng dẫn du lịch, biểu diễn và mua bán hàng hóa có nguồn gốc địa phương. Vì vậy, việc quảng bá và truyền thông hiệu quả các điểm đến là rất quan trọng đối với du lịch nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu cho các địa điểm cụ thể và sản phẩm nông nghiệp gắn liền với nơi xuất xứ có thể góp phần tạo nên thành công.

Một trong những nhiệm vụ thiết yếu hơn cả là cần tránh những sản phẩm đơn điệu, lặp đi lặp lại trong du lịch nông nghiệp. Việc xác định các sản phẩm chủ lực và nhấn mạnh tính độc đáo của từng địa phương là rất quan trọng.

Ở Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, mô hình du lịch nông trại quy mô lớn có thể không phù hợp. Các khoản đầu tư trong tương lai vào du lịch nông nghiệp nên tập trung cung cấp các dịch vụ quy mô nhỏ nhưng tinh tế, chuyên nghiệp và thân thiện như homestay và những chuyến dã ngoại cho học sinh.

Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới cung cấp dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chữa bệnh, mỹ phẩm thiên nhiên và trải nghiệm spa. Sự đa dạng hóa này không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể và đáp ứng thị hiếu đa dạng của du khách, mà còn giúp ngành du lịch nông nghiệp Việt Nam trở nên bền vững và hấp dẫn hơn.

Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang trên đà phát triển
Nhiều đồi chè mở cửa đón khách du lịch tham quan trải nghiệm chụp hình.

Du lịch nông nghiệp có thể áp dụng và thể hiện nhiều khía cạnh của lối sống xanh, như các mô hình thành công ở những điểm đến như Đài Loan hay Nhật Bản đã cho thấy. Ví dụ, nông trại giải trí Tiên Hồ ở Đài Loan vừa trồng trái vải và cà phê, vừa chế biến các nông sản này thành mặt hàng có giá trị cao. Nông trại hướng đến cung cấp cho du khách lựa chọn ăn uống an toàn, chỗ ở thoải mái, hoạt động giải trí thú vị và trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy.

Trong khi đó, cộng đồng người dân ở thị trấn Yufuin tại Nhật Bản đã tạo ra thương hiệu YUFUIN PLUS để quảng bá nhiều mặt hàng hữu cơ được sản xuất tại địa phương, đồng thời giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Các nhà hàng phục vụ thực đơn độc đáo lấy cảm hứng từ ẩm thực phương Tây và Nhật Bản, trong khi hoạt động du lịch như đạp xe, đi tàu và lễ hội kết hợp giới thiệu nghề thủ công, tinh hoa ẩm thực và nông nghiệp địa phương. Những hoạt động giao lưu trao đổi trong cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương về du lịch, khuyến khích họ tham gia vào lĩnh vực này. Cách tiếp cận tổng hợp như vậy nâng cao giá trị nông nghiệp và thu hút du khách.

Tại Việt Nam, chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp đánh dấu bước tiến đầy hứa hẹn hướng tới phát triển nông thôn, bảo tồn văn hóa và kinh tế bền vững. Cảnh quan nông nghiệp và truyền thống văn hóa phong phú của Việt Nam là nền tảng thuận lợi cho những trải nghiệm chân thực, mang tính giáo dục, đóng góp đáng kể cho ngành du lịch nói chung.

Mặc dù còn tồn tại một số thách thức về phát triển sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khả năng kết nối, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để vượt qua những trở ngại này. Sức hấp dẫn của du lịch nông nghiệp có thể được tăng cường thông qua việc kết hợp giá trị thiên nhiên và văn hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và đa dạng hóa dịch vụ. Nếu vượt qua được khó khăn và tận dụng được những thế mạnh độc đáo của mình, Việt Nam có thể định vị trở thành quốc gia đi đầu về du lịch nông nghiệp bền vững và đậm đà bản sắc văn hóa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích