Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/12/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/12/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 13/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Không khí lạnh rất mạnh sắp đổ bộ, miền Bắc đón đợt rét cao điểm vào ngày nào?

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 16/12, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng.

Từ ngày 17-20/12, các tỉnh Bắc Bộ khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi một đợt không khí lạnh rất mạnh.

“Đây là đợt rét đậm, rét hại diện rộng xảy ra đầu tiên trên toàn Bắc Bộ trong mùa đông năm nay. Trong tầm khoảng từ 19-20/12, khả năng xuất hiện băng giá và sương muối tại một số nơi, đặc biệt ở vùng núi cao”, VietNamNet dẫn lời ông Hưởng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Hưởng, trong đợt rét này khu vực vùng núi Bắc Bộ, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao xuống dưới 3 độ.

Theo dự báo, vùng núi cao phía Bắc khả năng xảy ra hiện tượng băng giá và sương muối, ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây trồng cũng như hoạt động chăn thả gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, đợt không khí lạnh cường độ mạnh sẽ gây ra mưa vừa, mưa to. Cụ thể, từ ngày 17/12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to. Miền Bắc một số điểm cũng có mưa to.

Thời tiết TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ thời kỳ này ít mưa, ban ngày trời nắng nhiều, độ ẩm giảm thấp gây hanh khô.

Thái Nguyên: Phụ nữ Quyết Thắng góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao

Báo Thái Nguyên đưa tin, để góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân góp sức, chung tay bằng nhiều việc làm thiết thực.

Chị Dương Thúy Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Quyết Thắng, cho biết: Hội hiện có 1.628 hội viên, sinh hoạt ở 10 chi hội. Để góp phần xây dựng NTM nâng cao theo chủ trương của địa phương, Hội đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và người dân. Đặc biệt, Hội được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã giao làm nòng cốt phối hợp triển khai thực hiện tiêu chí Môi trường.

Theo chị Hòa, trước kia, trên các trục đường liên xóm và liên gia, người dân còn vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân, Hội LHPN xã đã vận động hội viên, người dân thực hiện các nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, trong đó chú trọng tiêu chí “3 sạch” gồm: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Hội cũng tăng cường tuyên truyền về tác hại của túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, cán bộ, hội viên phụ nữ đã phân chia nhiệm vụ đến các gia đình để hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt và quy trình xử lý rác hữu cơ…

Hội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như: Thành lập mô hình Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải, mô hình Tổ phụ nữ tự quản thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; thành lập 10 chi hội phụ nữ “5 không 3 sạch”. Hằng tuần, các chi hội tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm; chăm sóc đường hoa, tuyến đường tự quản…

tm-img-alt
Thành viên Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải Sơn Tiến thường xuyên thu gom rác và vận động người dân bảo vệ môi trường.

Tiêu biểu như Chi hội Phụ nữ xóm Sơn Tiến đã thành lập và duy trì tốt hoạt động của Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải Sơn Tiến. Tổ thường xuyên có 4 đến 8 thành viên. Hằng ngày, các thành viên đi thu gom rác trên địa bàn xóm, đồng thời vận động người dân thực hiện tốt tiêu chí xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…

Hay như Chi hội Phụ nữ xóm Cây Xanh với mô hình Tổ phụ nữ tự quản thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu hút 120 hội viên tham gia. Chị Lý Thị Hương, thành viên trong Tổ, chia sẻ: Cây Xanh là xóm thuần nông, người dân chủ yếu trồng chè, cấy lúa. Từ khi Tổ phụ nữ tự quản được thành lập, chúng tôi luôn gương mẫu và vận động các hộ dân không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên cánh đồng, bãi chè. Đến nay, những bao bì này đã được người dân để đúng nơi quy định, không còn bị vứt bỏ lung tung như trước kia.

Bên cạnh bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã Quyết Thắng cũng chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tăng thu nhập, đặc biệt là giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh…

Trao giải Cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”

Sáng ngày 13/12, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Lễ trao giải cuộc thi Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa.

Tham dự Lễ trao giải có ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc BQLDA Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TN&MT; Ông Vũ Minh Lý – Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT; ông Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bộ TN&MT; Bà Tống Thị Minh – Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội đồng Ban giám khảo; đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT và đông đảo các đoàn viên TNCS HCM Bộ TN&MT.

Cuộc thi Sáng Kiến Tiêu Dùng Xanh, Giảm Ô nhiễm nhựa” là hoạt động nằm trong Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam”. Các ý tưởng sáng tạo và mô hình hay về tiêu dùng xanh thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa dùng một lần, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường; tạo thành tựu có giá trị và là nguồn cảm hứng cho cả cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia; góp phần xây dựng một tương lai bền vững, môi trường trong lành, và cơ hội phát triển tốt đẹp cho đất nước.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: “Hướng tới đối tượng trẻ, tầng lớp thanh thiếu niên, năm nay hoạt động “Cuộc thi sáng tạo/sáng kiến về tiêu dùng xanh, Giảm ô nhiễm nhựa” của Dự án được Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động là hoạt động chú trọng đến việc thúc đẩy các ý tưởng tốt, mô hình hay về tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ”.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Chỉ trong thời gian ngắn, từ giữa tháng 9 tới cuối tháng 10/2023, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 50 bài dự thi có chất lượng, nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông minh, góp thêm động lực cho cuộc chiến chống rác thải nhựa. 

Kết quả Ban tổ chức đã trao giải cho 6 tác phẩm đạt giải cao. Trong đó 01 giải nhất thuộc về tác phẩm:“Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” của nhóm Trường học xanh – trưởng nhóm Lê Thị Hảo, Giáo viên trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” ra đời với mục tiêu quan trọng: khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh để giảm bớt ô nhiễm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra một tương lai bền vững, khuyến khích, vận động và tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến và hành động sẽ giúp giảm bớt ô nhiễm nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh thông minh.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trao Giải nhất cho tác giả đạt giải. (Ảnh: Internet)

Được biết, từ năm 2020 đến nay, thông qua nhiều hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-VN tài trợ, đặc biệt là các chiến dịch truyền thông tăng cường nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa từ trung ương đến địa phương, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng WWF-VN đã phối hợp để hỗ trợ được 9 địa phương xây dựng được các kế hoạch hành động giảm nhựa, truyền thông điệp cùng chung tay giảm nhựa, hiểu biết hơn về nhựa tới hàng triệu cá nhân để mỗi người chủ động thay đổi hành vi và đồng hành cùng chính phủ trong cuộc chiến lâu dài và khó khăn này.

Để tiếp tục tạo nên sự chuyển biến tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh được coi là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững. Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam. Hiện nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, và đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa sử dụng một lần. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong thời gian ngắn không dễ dàng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của nhà nước và chương trình khuyến khích đến từ các nhà bán lẻ, ý thức của mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng./.

Bắc Ninh: Triển khai kế hoạch giám sát môi trường tại làng nghề Mẫn Xá

Ngày 12/12, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ công bố thành lập Tổ giám sát và kế hoạch giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và chủ đầu tư hạ tầng tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

2(4).jpg
Ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiêm môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu tại buổi lễ

Triển khai chương trình giám sát, Bộ TN&MT đã ban hành quyết định số 1768/QĐ-BTNMT về việc thành lập Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và chủ đầu tư hạ tầng tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo Quyết định, tổ giám sát do ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường làm tổ trưởng.

Bà Trần Thị Minh Hương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Phó Tổ trưởng thường trực cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã ban hành quy chế hoạt động của tổ giám sát và kế hoạch giám sát về bảo vệ môi tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn. Theo đó, kế hoạch giám sát sẽ triển khai trong 3 năm (2023-2025). Tổ giám sát sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ tối thiểu 2 năm/lần, theo chuyên đề và đột xuất việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề Mẫn Xá.

3.jpg

Nội dung giám sát bao gồm việc tuân thủ các pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và chủ đầu tư hạ tầng tại làng nghề Mẫn Xá; lấy mẫu đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường xung quanh để xử lý theo quy định. Trong tháng 12/2023, đoàn sẽ kiểm tra, giám sát 11 đơn vị tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh đã công bố quyết định thành lập Tổ giám sát về bảo vệ môi trường tại làng nghề Mẫn Xá. Tổ giám sát gồm 18 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đình Phương – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh làm tổ trưởng. Tổ giám sát của tỉnh sẽ tiến hành giám sát trong 3 năm. Quá trình giám sát, tổ sẽ chia thành nhiều đoàn giám sát đến từng cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ cơ sở về công tác bảo vệ môi trường.

1(4).jpg
Quang cảnh buổi lễ

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiêm môi trường Hoàng Văn Thức – Tổ trưởng Tổ giám sát của Bộ TN&MT cho biết: Thông qua các đoàn/kỳ giám sát sẽ giúp người dân, hộ kinh doanh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Bộ, tỉnh sẽ rà soát các hộ kinh doanh còn thiếu thủ tục về bảo vệ môi trường để hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục này.

Ngoài ra, khi giám sát kiểm tra nếu phát hiện các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất đang xả thải có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ tiến hành lập biên bản để xử phạt theo quy định. Từ đó, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục để bảo vệ môi trường.

Về phía Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cam kết sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương và người dân để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thủ tục môi trường.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh

Nội dung công văn nêu rõ: Thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động khai thác khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông); nhờ đó, các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số địa phương vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực; việc quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời; công tác thống kê sản lượng khoáng sản đã khai thác còn bất cập, có tình trạng tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản thực tế khai thác,…

Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng phát hiện, chỉ ra, được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và UBND tỉnh đã tạm dừng hoạt động khai thác đối với một số mỏ, bãi tập kết cát. Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án đang và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Mội trường tại Công văn số 8797/BTNMT-KSVN ngày 16/10/2023; Chủ tịch UBND tỉnh yêu 2 cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung.

tm-img-alt

Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc về việc tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản số 60/2010/QH12; Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 17/4/2020 về việc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 về việc Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác.

Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở các khu vực giáp ranh, chấn chỉnh hoạt động thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi, thu hồi khoáng sản thông qua nạo vét luồng lạch; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 25/8/2022 về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/4/2023 về việc thực hiện Phương án đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; Công văn số 14848/UBND-CN ngày 04/10/2023 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định trong hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi lòng sông, cụ thể: – Kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi, mua – bán tại bến bãi; căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan, để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/02/2024; Tổng hợp rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…).

Kiến nghị các biện pháp quản lý 3 tiếp theo, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khoáng sản Việt Nam) và UBND tỉnh trước ngày 15/02/2024; Kiểm tra, giám sát việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định có liên quan; Rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác để yêu cầu đóng cửa mỏ và cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; trường hợp cố tình chậm chễ thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất những nội dung vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/01/2024; Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nội dung khác có liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan (đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu); đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến đê điều, bờ bãi sông, tiêu, thoát lũ theo quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra việc tổ chức khai thác tại các khu vực mỏ được cấp phép đảm bảo theo thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi đảm bảo theo đúng quy định.

Công an tỉnh thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, công tác nghiệp vụ để khoanh vùng, phòng ngừa, đấu tranh với các điểm phức tạp về khai thác khoáng sản; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, trọng tâm là: khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; hoạt động vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, các phương tiện bơm hút cát, sỏi không có đăng ký, đăng kiểm…; lập kế hoạch, phương án đấu tranh đối với vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; thông báo cho chính quyền địa phương biết khi phát hiện và xử lý đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án giám sát thuế đối với các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số 5040/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan.

Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra về việc yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình, dự án.

UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện) tiếp tục, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 06/4/2018, Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 và các văn bản có liên quan; Kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động/cam kết bảo vệ môi trường của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan.

Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, theo dõi diễn biến sạt lở bờ, bãi sông (đặc biệt trên các tuyến Sông Mã và Sông Chu) và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục tạm thời (nếu có) đảm bảo theo quy định và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, tham mưu, đề xuất giải quyết theo quy định; Kiên quyết xử lý và công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép trên địa bàn quản lý; đề xuất với cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, yêu cầu các Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi sử dụng vật liệu xây dựng công trình phải có hóa đơn, chứng từ mua bán từ các mỏ hợp pháp, đã được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác làm cơ sở để kiểm soát trữ lượng, công suất tại các mỏ đảm bảo theo quy định. 10.

Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động, khai thác cát sỏi, lòng sông; Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động, khai thác cát, sỏi lòng sông; thực hiện theo đúng hồ sơ, giấy phép và phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (đường thủy nội địa và đường bộ), đê điều, vệ sinh môi trường, hành 5 lang thoát lũ, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; tuân thủ việc bốc xúc cát, sỏi lên phương tiện vận tải đúng tải trọng theo quy định; chịu sự kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm (nếu có) của các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các hành vi phạm trong quá trình thực hiện; Có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đúng, đủ theo sản lượng được phép khai thác, hàng tháng kê khai giá bán tại mỏ gửi về Sở Xây dựng, Sở Tài chính theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm việc kê khai giá bán không đúng thực tế và vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản thông báo các nội dung chỉ đạo nêu trên đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh có liên quan.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vi phạm thuộc trách nhiệm được giao thực hiện, quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để được xem xét, giải quyết theo quy định./.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích