Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước
Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước
Tỉnh Bình Dương được định hướng là: Vùng dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Thông tin trên được khẳng định lại một lần nữa tại Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” diễn ra ngày 13/12 tại Bình Dương. Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức.
Hội thảo là là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động tiếp theo của Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”.
Những thành tự sau 25 năm phát triển vượt bậc
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Sau 25 năm, tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rất lớn, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm mạnh nông nghiệp. Quy mô kinh tế tỉnh Bình Dương tăng hơn 100 lần so với năm 1997, GRDP bình quân đầu người đạt mức cao hơn nhiều so với bình quân cả nước (7000 USD/người). Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm. Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đã và đang được tỉnh Bình Dương thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước trong thành công phát triển mô hình đô thị công nghiệp – dịch vụ và đang là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển đô thị thông minh với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được quan tâm và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản hoàn chỉnh; chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp với hơn 2 triệu m2 sàn, 60.000 căn hộ cho hơn 200.000 người lao động.
Hiện tại, Bình Dương đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển đô thị thông minh. Tỉnh đang triển khai “Đề án thành phố thông minh – Bình Dương” với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện trường trong tỉnh và hợp tác quốc tế, đã có những kết quả rất khả quan. Đến nay, đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS trên quy mô toàn tỉnh, cho phép cập nhật, và tra cứu thông tin quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, phản ánh thông tin hoạt động xây dựng…liên thông; đã triển khai một số dịch vụ thông minh phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như: Chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh, vệ sinh môi trường; giám sát an ninh; đầu tư xây dựng cộng đồng sáng tạo.
Còn những tồn tại cần khắc phục
Phát biểu về những tồn tại hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của tỉnh Bình Dương đã được quan tâm, nhưng cần phải được rà soát, nâng lên chất lượng, để khai thác hiệu quả hơn quỹ đất, cảnh quan, môi trường, vị trí địa lý cũng như quan tâm quy hoạch, khai thác không gian ngầm đô thị.
Phát triển đô thị – công nghiệp của Bình Dương nhanh nhưng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần phải đáp ứng yêu cầu để khắc phục các hạn chế dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế – xã hội, môi trường và an ninh trật tự sau này và cần sớm xác định giải pháp xử lý triệt để. Tập trung phát triển hạ tầng liên kết trong tỉnh và trong vùng một cách đồng bộ, cần quan tâm hơn nữa nhà ở xã hội cho người lao động.
Diện mạo kiến trúc đô thị còn thiếu bản sắc, chưa có nhiều công trình điểm nhấn về kiến trúc, không gian cảnh quan đặc trưng, chưa có kiến trúc riêng có của Bình Dương trong quá trình phát triển đô thị.
Tỉnh Bình Dương đang đi đầu trong phát triển đô thị thông minh nhưng vẫn còn một số khó khăn như: Thiếu bộ quy chuẩn thống nhất chung về xây dựng đô thị thông minh; Việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung cho đô thị thông minh còn bất cập; Thiếu sự đồng bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, quy hoạch đô thị thông minh…
Định hướng dẫn đầu
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội phê duyệt, phần lớn tỉnh Bình Dương thuộc vùng động lực phía Nam, được định hướng là: Vùng dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Về định hướng phát triển không gian và vai trò của hệ thống đô thị Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội phê duyệt, phần lớn tỉnh Bình Dương thuộc vùng động lực phía Nam, được định hướng là: Vùng dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số; Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics; Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vừa trình thẩm định cũng như phương hướng phát triển tại Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình thẩm định, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên; thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên) thuộc tiểu vùng đô thị trung tâm, là khu vực trọng điểm phát triển khu công nghiệp của vùng Đông Nam bộ; Trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước với các ngành dịch vụ có trình độ phát triển cao như tài chính – ngân hàng, viễn thông, vận tải – logistics, du lịch… Đồng thời, là nơi tập trung các trung tâm đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế hàng đầu của cả nước. Khu vực phía Bắc Bình Dương là khu vực hỗ trợ về dịch vụ công nghiệp hiện đại, khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng không gian phát triển của tỉnh. Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương đang thẩm định, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa Bình Dương đạt 87% và đến năm 2030 là khoảng 90%.
Phát triển mạng lưới không gian xanh theo mô hình đô thị vườn với khung cấu trúc mặt nước, kết nối liên thông với các không gian đô thị, khu công nghiệp, trung tâm đô thị. Phát triển các mảng xanh để tạo hệ sinh thái xanh toàn tỉnh. Cùng với đó là các giải pháp phù hợp để phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Hình thành 2 trục đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn và các tuyến sông trong tỉnh.
Phát triển đô thị tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới cần gắn với các dự án giao thông động lực: Hình thành chuỗi đô thị dịch vụ theo mô hình TOD gắn với các dự án đường sắt (Dĩ An – Lộc Ninh; Suối Tiên – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng), Dự án đường cao tốc Bắc Nam (Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành); hình thành không gian đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại theo đường vành đai 3, vành đai 4…
“Phát triển đô thị gắn chặt với yếu tố tạo thị”
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khuyến nghị, để hiện thực hóa các quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Bình Dương: Để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời gian tới, đề nghị Bình Dương tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, trong đó đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể, gồm 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và bố trí nguồn lực phù hợp của từng Bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được và quan tâm hơn nữa trong công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị; Thực hiện tốt kế hoạch phân loại đô thị đã đề ra đến năm 2030. Tập trung phát triển các nền tảng hạ tầng cho phát triển đô thị thông minh, ứng dụng nền tảng GIS trong quản lý đô thị thông minh để hiện đại hóa và chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị. Tập trung thực hiện các Đề án, Chương trình về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu. Quan tâm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan, tạo các điểm nhấn kiến trúc đô thị, các không gian cảnh quan đô thị đặc trưng. Quan tâm công tác quản lý đô thị, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên môn, quản lý đô thị. Xây dựng, hoàn thiện công cụ quản lý phát triển đô thị phù hợp. Tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện thành công các mục tiêu đã đăng ký trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Mô hình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương đã trở thành kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong công tác quản lý và phát triển đô thị, minh chứng rõ nét cho việc phát triển đô thị thành công gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là kinh nghiệm về “phát triển đô thị gắn chặt với yếu tố tạo thị”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phát triển đô thị Bình Dương để đô thị Bình Dương phát huy vai trò, vị thế, đóng góp lớn hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương, Vùng Đông Nam bộ và cả nước”.
Bảo Ngọc (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị