Thúc đẩy năng suất và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng kinh tế lâu dài, bền vững

Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất”, Dr. Victor Tay, CEO của Global Catalyst Advisory/RHT Consulting Asia, Hội đồng quản trị liên minh các doanh nghiệp ASEAN-China, Chuyên gia APO cho biết: “Trong 5 thập kỷ qua của Singapore, cho dù chính sách ưu tiên phát triển nền kinh tế quốc gia ở mỗi thời kỳ là khác nhau, nhưng thúc đẩy năng suất luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu được Chính phủ quan tâm, thực hiện xuyên suốt vì mục tiêu tăng tốc độ phát triển và sức mạnh cạnh tranh”.

Vì một nền kinh tế năng suất và giàu tính đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là chìa khóa vàng. Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Singapore, Dr. Victor Tay cho biết, Singapore hiện đang nỗ lực hoàn thiện tiến tới hình ảnh một thành phố toàn cầu, trong đó lao động trình độ cao được thúc đẩy phát triển tại mọi ngành nghề, khuyến khích nâng cao năng lực doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội tiềm năng tại Châu Á, đổi mới và tăng trưởng năng suất, nâng cao chất lượng sống vượt trội cho người dân.

Ông Victor Tay, CEO của Global Catalyst Advisory/RHT Consulting Asia.

Trong bài trình bày của mình, ông nhấn mạnh quá trình phát triển phong trào năng suất tại Singapore trải qua thời gian đi từ bước đầu nhận thức đến hành động, làm chủ và thực thi. Chính phủ quan tâm phát triển đầu tư cho khoa học công nghệ, tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới toàn diện, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh.

Singapore cũng phát triển chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực, tập trung vào 6 điểm: Chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; Chiến lược thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới; Đầu tư vào con người, trang bị các kỹ năng chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị hơn; Bắt kịp xu thế, tiếp cận thị trường quốc tế; Kết nối và xây dựng năng lực giữa các bên liên quan; Đặc biệt xây dựng môi trường chính sách cởi mở, giảm thiểu rào cản pháp lý để hỗ trợ các mô hình kinh doanh đổi mới, vận dụng các tiêu chuẩn như công cụ hỗ trợ.

Toàn cảnh phiên toàn thể. 

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, đại biểu cũng được nghe bài trình bày của các chuyên gia quốc tế tham dự như: Bài tham luận về tăng trưởng năng suất – nền tảng cho Việt Nam thu nhập cao vào năm 2045 do TS. Andrea Coppola – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Trưởng ban EFI, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trình bày; Bài tham luận về sự cần thiết của các động lực mới cho tăng trưởng năng suất ở Việt Nam do bà Gulimira Asanbaeva – Giám đốc dự án Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trình bày.

Cũng tại phiên toàn thể đã diễn ra phần tọa đàm về các giải pháp nhằm đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất, ghi nhận nhiều ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện bộ, ngành.

Hà Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích