Đồng bằng sông Cửu Long: Khởi động Đề án phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao
(Xây dựng) – Ngày 12/12, tại thành phố Vị Thanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức Lễ khai mạc Festival quốc tế chuyên ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023. Từ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thông điệp: Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đây cũng là một nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu khi xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.
Ban tổ chức truyền thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính qua video clip. |
Tại Lễ khai mạc, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Nhiều thập niên về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, “cây lúa hôm nay” mở ra đường lớn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023. |
Chúng tôi hiểu rằng, quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”. Nơi mà ở đó, con nước xuống lên, độ phì của đất, được thấu hiểu và trân trọng. Nơi mà ở đó, giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối. Nơi mà ở đó, mỗi mét vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường, bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến. Nơi mà ở đó, thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa! Đất Mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người, gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập trên đồng Hậu Giang. |
Có câu nói vui với nhau: “Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương! Tôi có niềm tin vững chắc rằng, tình cảm dành cho lúa gạo Việt Nam đến từ định vị thương hiệu: Vì người trồng lúa. Vì người tiêu dùng. Vì môi trường xanh.
Tại Lễ khai mạc Festival quốc tế chuyên ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023, Ban tổ chức đã truyền thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính qua video clip đến với Lễ khai mạc. Xuất khẩu gạo có thể đạt được 8 triệu tấn trong năm 2023. Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực trong những lúc khó khăn. Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam năm 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam: Thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển 01 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đây cũng là một nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu; thể hiện Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu khi xây dựng một nền nông nghiệp phát thải thấp.
Trước đó, sáng 12/12/2023, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival Quốc tế chuyên ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức phát động Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “ĐBSCL luôn là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 – 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Với nhiều lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu; người dân cần cù, có truyền thống sản xuất lúa nước lâu đời, cùng với sự mạnh dạn trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ngành lúa gạo của ĐBSCL đã thu được nhiều thành công và góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án VnSAT, người dân trồng lúa tại đây đã bước đầu quen thuộc với các quy trình canh tác bền vững, hướng tới giảm phát thải, đã bước đầu đo đạc được lượng khí phát thải từ sản xuất lúa.
Trong bối cảnh ba chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo ĐBSCL: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; đó là phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.
Được mùa bội thu. |
Trước những chữ “biến” đó, chúng ta sẽ lựa chọn từ chối, chần chừ, hay chủ động thích ứng? Chính từ bối cảnh ấy, Đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế…”.
Nguồn: Báo xây dựng